Duyên phận vợ chồng là Thiên định. Người xưa vô cùng xem trọng và đề cao các giá trị văn hóa truyền thống, luân lý đạo đức, danh tiết con người. Đối với quan hệ vợ chồng và vấn đề dục vọng cũng vô cùng coi trọng. Người xưa luôn khuyên nhủ con cháu tránh làm ra những chuyện thất lễ, bất nghĩa, trái với luân thường đạo lý bởi họ tin rằng “người đang làm, trời đang nhìn”.

Người ghi chép những sách cổ, những lời răn dạy của bậc thánh hiền giúp người đời hiểu được đạo đức làm người sẽ lập được công đức. Ngược lại, người viết ra những dâm thư tà thuyết khiến người đọc khởi dục vọng tà dâm sẽ phải chịu tội nghiệp vô cùng thống khổ. Câu chuyện dưới đây được trích trong cuốn “Yên tĩnh sĩ toàn thư ” là một ví dụ về nội dung này.

Thuở xưa có một nho sinh tên là Toàn Như Ngọc. Anh ta tuy có gia cảnh bần hàn nhưng lại luôn hành thiện tích đức, thường chăm chỉ chép lại các sách khuyến thiện để hóa đạo người đời. Thấy người khác làm việc thiện, anh cũng hết sức cổ vũ khen ngợi.

Một lần anh ta đi biển, thuyền bị gió lốc thổi đến một ngọn núi hoang sơ. Ở đây, anh ta đã gặp một vị đạo sỹ từ trong rừng bước ra và nói với anh rằng: “Thế gian đầy những giả dối, mà Thượng Đế lại quý trọng những người có tâm chân thành. Ngươi luôn làm việc tốt khuyến khích người hành thiện, truyền bá sách thiện, lại thành tâm không cầu người khác biết, cho nên có công đức rất lớn!”

Toàn Như Ngọc nghe xong, khiêm tốn nói: “Quả thực không dám!”

Vị đạo sỹ lại nói: “Nho sinh đọc sách có tài trí thông minh, nếu như không tuyên truyền những nội dung, nghĩa lý của bậc thánh hiền, mà trái lại, lại viết ra dâm thư tà thuyết, sẽ khiến người trong thiên hạ chịu hại. Loại người này nhất định sẽ phải vào địa ngục chịu thống khổ vô cùng, vĩnh viễn không có ngày nào thoát được. Ta sẽ dẫn ngươi đi xem để biết họ phải chịu tội gì, cũng để thấy được công đức của ngươi!”

Nói xong những lời này, đạo sỹ kéo tay Toàn Như Ngọc đi trong mây mù. Không lâu sau, Toàn Như Ngọc nhìn thấy một tòa thành, tên gọi Phong Đô. Một lát sau, Diêm Vương bước lên điện nghênh đón vị đạo sĩ này. Vị đạo sĩ nói: “Viết ra dâm thư tà thuyết, hại người hại đời, khinh nhờn trời đất, coi thường thần linh, tội ác tày trời. Những người này phải chịu tội nơi âm phủ, người dương gian không hiểu điều này. Xin Diêm vương cho sai nha dẫn anh ta xem những người này chịu tội để về nói với người khác hối cải mà quay trở về. Đây cũng là đại từ bi!”

Sau đó, có hai sai dịch dẫn Toàn Như Ngọc đến một nơi. Anh ta nhìn thấy một số người, hoặc là đang phải chịu đao chém, hoặc là đang phải chịu cày xới, hoặc là đang bị giày xéo hay là bị nướng. Mỗi lần chịu tội xong, những người này lại rất nhanh khôi phục nguyên hình.

Toàn Như Ngọc hỏi: “Những người này là người nào?”

Sai dịch nói: “Những người này đều là những người đã viết sách tà tâm.“

Toàn Như Ngọc lại hỏi: “Họ phải chịu tội nghiệp đến khi nào?”

Sai dịch đáp: “Vạn kiếp trầm luân. Không có cơ hội được chuyển sinh!”

Toàn Như Ngọc nghe xong, vô cùng kinh hãi, sai dịch đưa anh quay trở lại điện Sâm La. Đạo sỹ cùng Toàn Như Ngọc cáo từ Diêm Vương và rời đi. Đạo sỹ lại đưa anh ta trở lại ngọn núi khi nãy. Vừa dịp gặp đúng gió thuận, Toàn Như Ngọc cáo biệt đạo sĩ và thuận buồm xuôi trở về. Sau khi trở về, Toàn Như Ngọc đã kể lại hết cho mọi người những gì bản thân đã được chứng kiến, đồng thời cũng không ngừng khuyên nhủ mọi người hành thiện trừ ác.

Người xưa có câu: “Vạn ác dâm vi thủ” (tạm dịch: Trong trăm cái ác thì dâm đứng đầu). Một khi dục tâm vừa động thì sẽ dẫn khởi ra nhiều ác niệm, và tùy theo đó họ sẽ làm ra những chuyện mất hết liêm sỉ, đi ngược lại luân lý đạo đức, đủ loại ác nghiệp cũng từ đó mà sinh ra. Viết những ngôn luận tà dâm, tà niệm, kích động ham muốn dục vọng của người khác, khiến người khác rơi vào u mê, chính là đang gây tội nghiệp nặng, sẽ phải vào địa ngục chịu tội. Một khi nghiệp báo đã đến thì hối hận cũng không kịp!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: