Các nạn nhân người Việt trong vụ hỏa hoạn ở Đài Loan đều là lao động nghèo, gia đình vay mượn để đi xuất khẩu lao động.

Sáng 15/12, trong gió rét mùa đông, ông Phùng Văn Tần (59 tuổi, trú thôn Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ngồi thất thần bên căn nhà gỗ lụp xụp. Thỉnh thoảng điện thoại của ông lại rung lên, những cuộc gọi của người thân hỏi han về việc con trai ông là Phùng Trọng Tuẩn (31 tuổi), tử vong trong vụ hỏa hoạn ở nhà máy Công ty Tịch Ca (Đài Loan), thi thể chưa được đưa về nước.

Cầm di ảnh để lập bàn thờ cho cậu con trai đoản mệnh, bà Nguyễn Thị Hường (53 tuổi) cho biết, gia đình có bốn người con, Tuẩn là anh cả, đã lấy vợ, hiện có hai con nhỏ. Điều kiện kinh tế khó khăn, ba năm trước, ông bà đã vay 180 triệu đồng cho cô con gái út Phùng Thị Huyền (22 tuổi) sang Đài Loan xuất khẩu lao động, với hy vọng kiếm ít vốn về để kiếm tấm chồng.

Huyền ra nước ngoài, có tiền trả nợ nên gọi điện về, động viên anh trai và chị dâu cùng sang Đài Loan với ước mơ sẽ đổi đời, đẩy lùi được nghèo đói, cho bố mẹ và con cái đỡ khổ.

Cuối 2016, anh Tuẩn vay ngân hàng 140 triệu, sang Đài Loan làm ở công ty Tịch Ca, chuyên sản xuất phim cách nhiệt ôtô, màng an toàn chống nước, lương mỗi tháng trừ chi phí ăn ở tiết kiệm được 10 triệu đồng.

Vợ vừa sang Đài Loan 4 ngày thì chồng gặp nạn

Chung giấc mơ thoát nghèo với chồng, bốn ngày trước, chị Nguyễn Thị Hương (28 tuổi, vợ anh Tuẩn) đặt chân tới Đài Loan làm là ủi quần áo tại một bệnh viện. Chi phí chuyến đi này cũng là 140 triệu đồng, đều nhờ bố mẹ chồng vay mượn.

“Nó gửi con nhờ tôi chăm sóc, sang làm việc được hai ngày thì nhận hung tin. Thật đau xót khi hai đứa chưa kịp nói lời tâm tình sau một năm xa cách”, ông Tần nói.

Người đàn ông 59 tuổi kể, thỉnh thoảng anh Tuẩn có gọi điện về cho bố mẹ vào ban đêm, tâm sự cuộc sống rất vất vả, làm việc áp lực. Ông động viên, dù gì thì cũng nên cố gắng vì vợ con, trong khi bố mẹ đã già yếu. Vài năm sau tích lũy được ít vốn, về quê sửa sang cửa nhà, dành tiền cho các cháu học hành đầy đủ, như thế là cũng đẩy lùi được cái nghèo rồi.

Đám cháy tại nhà máy Tịch Ca (Đài Loan) vào sáng 14/12. Ảnh: CNA

Mong ước ấy của gia đình ông Tần đang trở nên xa vời, khi lao động chính là anh Tuẩn tử nạn trên đất khách. “Nợ cũ chưa trả hết, khoản tiền mới vay cho con dâu biết bao giờ mới trả được đây”, ông Tần tự hỏi mình.

Sáng nay, em gái và vợ của anh Tuẩn đang làm việc với nhà chức trách Đài Loan để lấy mẫu xét nghiệm, hoàn thiện thủ tục đưa thi thể anh Tuẩn về quê mai táng. Ông Tần bày tỏ, trước khi ra đi con trai có đóng bảo hiểm, mong phía công ty ở Đài Loan sẽ bảo vệ người lao động, bồi thường thỏa đáng cho họ.

Bố mẹ vay tiền để đưa thi thể con về nước

Cách nhà anh ông Tần 60 km, sáng nay ông Trần Hồng Thảo (57 tuổi, trú xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên) đang tất bật đi làm hộ chiếu, vay tiền để sang Đài Loan đưa di hài con trai là anh Trần Hồng Thủy (24 tuổi), cũng là nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn ở nhà máy Tịch Ca về quê mai táng.

Hai hôm nay, nhận tin con trai gặp nạn, bà Mai Thị Hương (52 tuổi, mẹ Thủy) suy sụp, nằm liệt giường. Gia đình có ba anh em, Thủy là con thứ hai. Bố là bộ đội về hưu, mọi sinh hoạt dựa vào vài sào ruộng và quầy hàng tạp hóa nhỏ của bà Hương.

Hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, Thủy học hết cấp hai rồi đi bộ đội. Xuất ngũ trở về, tháng 2/2016, cậu bàn với gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan để sau này kiếm ít vốn, về mua đất xây nhà, cưới vợ. Tích góp được ít tiền, vợ chồng ông Thảo vay thêm ngân hàng, góp lại đủ 160 triệu đồng để con trai “đi thực hiện ước mơ”.

Bà Hương cho hay, tối 13/12, Thủy có gọi điện về nói chuyện với bố mẹ đến 23h đêm, không ngờ đó là lần cuối cùng ông bà được nghe giọng con. “Nó đi làm ăn xa vì gia đình quá nghèo, không ngờ lại gặp bi kịch quá lớn”, bà Hương nói trong tiếng nấc.

Gia đình ông Thảo những ngày này đang sửa sang lại nhà cửa đón Tết, song Thủy mất, công việc này phải tạm gác. Anh trai của Thủy là Trần Hồng Thắng chia sẻ, mấy hôm trước cậu em có gọi điện nhờ gửi áo ấm sang Đài Loan cho mình, vì có người bạn sắp về, nhưng “bây giờ thì không biết gửi cho ai mặc nữa”.

Tại Quảng Bình, hay tin anh Nguyễn Trọng Nghĩa (21 tuổi, trú thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tử vong trong vụ cháy ở Đài Loan, hàng xóm, người thân có mặt ở nhà bố mẹ anh để chia buồn.

Giữa căn nhà nhỏ nằm ở cuối xóm là chiếc bàn thờ lập vội, khói hương nghi ngút.

Ông Nguyễn Văn Hoàng gục mặt đau đớn trước cái chết nơi xứ người của con trai (Ảnh: Nh.Th)

Ngồi thất thần bên hiên cửa, ông Nguyễn Văn Hoàng (55 tuổi, bố Nghĩa) liên tục gọi tên con. Lau nước mắt, ông kể đêm hôm trước con trai gọi về, nói gửi cho cha mẹ 10 triệu trang trải cuộc sống. “Tôi vừa nhận tiền con gửi buổi sáng, thì tối nghe tin con mất”, ông Hoàng khóc.

Nghĩa là con thứ tư trong gia đình năm anh chị em. Học hết phổ thông, cậu bàn với gia đình vay 170 triệu để làm thủ tục sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Hai năm qua, vì nhà máy ít việc, mỗi tháng thu nhập được 10-12 triệu đồng nên Nghĩa sống tiết kiệm, gửi tiền cho cha mẹ trả nợ dần.

Bà Trần Thị Tuyết (53 tuổi, mẹ Nghĩa) tâm sự, mấy hôm trước con trai gọi điện nói gần Tết sẽ gửi tiền cho ba mẹ mua sắm, còn bản thân ở lại để tiết kiệm chứ không xin nghỉ phép. “Lần nào gọi Nghĩa cũng dặn tôi nghỉ ngơi, lo cho sức khoẻ. Nó xin ở lại thêm vài năm nữa, lo làm việc gửi tiền về nuôi em ăn học, thoát khỏi cảnh nghèo khó”, bà Tuyết nói.

Bà Trần Thị Tuyết nằm sõng soài bên bàn thờ lập vội cho con trai (Ảnh: Nh.Th)

Chị gái Nghĩa là Nguyễn Thị Lài cho hay, cả nhà chủ yếu làm ruộng, những năm qua mọi khoản chi tiêu đều nhờ vào Nghĩa, nay em trai mất, gánh nặng lại đè lên đôi vai gầy yếu của bố mẹ già.

“Đêm gặp nạn, Nghĩa gọi cho tôi nói ở lại làm thêm. Tôi động viên em nếu có thời gian sắp xếp về thăm chứ gia đình rất nhớ, nào ngờ em ra đi mãi mãi”, chị Lài nói.

Trưa 15/12, gia đình ông Thảo (Hà Tĩnh) và ông Hoàng (Quảng Bình) đang làm các thủ tục cần thiết để ra Hà Nội làm việc với đơn vị cung ứng lao động. Dự kiến trong hôm nay hoặc ngày mai, họ sẽ bay sang Đài Loan đưa di hài con về quê mai táng.

Khôi Minh