Đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng nói, rất bất ngờ khi nghe tin giá điện tăng. Cơ quan quản lý Nhà nước lại cho rằng, đã chuẩn bị và tính toán kỹ phương án tăng giá.

Chiều 1/12, Bộ Công Thương tổ chức cuộc gặp mặt báo chí để thông tin thêm về quyết định tăng giá điện công bố chiều 30/11, theo Zing.

Cuộc gặp được chủ trì bởi ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).

Chiều hôm trước thông báo, sáng hôm sau tăng giá điện

Tại phòng họp báo có khoảng 80 đại diện các cơ quan báo chí. Các câu hỏi đặt ra đều liên quan đến Bộ Công Thương tăng giá điện một cách quá đột ngột, thông báo chiều hôm trước, sáng hôm sau tăng giá.

Ngoài ra, còn có những ý kiến băn khoăn như: cơ sở của việc tăng giá điện là gì, tại sao EVN vẫn có lãi năm 2016 mà quyết định tăng giá điện…

Cả hai đại diện của người mua trong cuộc gặp mặt là VCCI và Vinastas đều cho biết, rất bất ngờ khi nghe đến việc tăng giá điện.

Ông Nguyễn Minh Đức, Đại diện Ban pháp chế (VCCI) cho biết, cơ quan này được mời tham gia vào việc thẩm định chi phí sản xuất kinh doanh, một cơ sở của việc tăng giá điện. Tuy nhiên, VCCI được coi là một đại diện của người mua điện lại không được tham gia vào quá trình lên các phương án tăng giá điện. Ông Đức đề nghị cần minh bạch hơn trong việc tăng giá điện để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Vinastas cũng nói, mình rất bất ngờ trước việc tăng giá điện. Ông đề nghị cần phải thông báo sớm hơn cho người tiêu dùng chuẩn bị, bởi điện là yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất. Người tiêu dùng cũng cần biết rõ thông tin sớm để chuẩn bị cho chi tiêu của mình.

Giá điện tăng giá 6,08% từ 1/12. (Ảnh: Lê Hiếu).

Ngành điện nói đang lỗ nên tăng giá là phù hợp

Trước nhiều ý kiến hoài nghi việc EVN thông báo lãi trên 2.000 tỷ đồng vào năm 2016 nhưng Bộ Công Thương vẫn quyết định tăng giá điện 6,08%, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đề án tăng giá điện đã được nghiên cứu và tính toán kỹ, có nhiều cơ sở pháp lý khác nhau.

Việc tăng giá điện dựa vào nhiều yếu tố chứ không chỉ căn cứ vào giá thành sản xuất điện của EVN lỗ năm 2016.

Cơ sở pháp lý được vị này dẫn ra là Quyết định 24, Quyết định 28 của thủ tướng, căn cứ về quyết định ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN, các phương án điều hành và ảnh hưởng của từng phương án tới kinh tế vĩ mô…

Vị này còn nhấn mạnh, EVN có nhiều ngành nghề kinh doanh nên con số lãi trên 2.000 tỷ vào năm 2016 là chưa phản ánh hết việc sản xuất và kinh doanh điện. Trong việc sản xuất và kinh doanh điện, EVN đang lỗ và quyết định tăng giá là phù hợp. Ngoài ra, khoản chênh lệch tỷ giá trên 9.000 tỷ đồng đang là áp lực rất lớn đến giá thành điện hiện nay.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thống nhất sẽ khấu trừ khoản chênh lệch tỷ giá 9.000 tỷ đồng vào giá thành điện từ nay đến năm 2020. Với việc tăng giá điện và khấu trừ dần hàng năm, EVN, Bộ Công Thương kỳ vọng đến năm 2020 sẽ giải quyết dứt điểm khoản tiền do chênh lệch tỷ giá.

Không ảnh hưởng nhiều đến người dùng?

Về ý kiến cho rằng tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, các chỉ số của nền kinh tế cũng như đời sống của hàng triệu hộ tiêu dùng điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đã được tính toán và giảm thiểu mức độ ảnh hưởng thấp nhất.

Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng 0,07% GDP và khoảng 0,08% tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12, tháng cuối cùng của năm 2017. Đến năm 2018, dự báo tăng giá điện sẽ làm CPI tăng 0,15% và tác động 0,66% đến GDP.

Cơ cấu nguồn cung điện của Việt Nam. (Đồ họa: Hiếu Công).

Về việc ảnh hưởng người tiêu dùng, ông Tuấn nói, đa phần người tiêu dùng điện hiện nay có mức tiêu thụ dưới 200 kWh/tháng nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Với hộ thuộc nhóm kinh doanh dịch vụ, giá điện sẽ tăng 5,7%. Với những hộ sử dụng điện sinh hoạt sẽ có những mức tác động khác nhau. Cụ thể:

  • Hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng sẽ bị tăng là 3.250 đồng/tháng.
  • Hộ tiêu thụ từ 51-100 kWh/tháng sẽ tăng 6.600 đồng.
  • Hộ tiêu thụ từ 101-200 kWh/tháng sẽ tăng 13.800 đồng/tháng.
  • Hộ sử dụng 201-300 kWh/tháng sẽ tăng 23.600 đồng/tháng.
  • Hộ sử dụng 301-400 kWh/tháng tăng là 34.800 đồng.

Hiện tại có khoảng 5,4 triệu khách hàng, chiếm 22,7%, tiêu thụ từ 51-100 kWh/tháng. Ngoài ra còn có khoảng 4,1 triệu hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng. Số hộ sử dụng từ 101-200 kWh/tháng là 5,2 triệu hộ.

Như vậy, trong số 28,5 triệu hộ tiêu thụ điện cả nước, có 23,4 triệu hộ mà EVN  bán điện trực tiếp. Số hộ sử dụng dưới 200 kWh/tháng chiếm đa số. Lãnh đạo Cục phát điện cạnh tranh cho rằng không ảnh hưởng nhiều.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, Nhà nước cũng đang hỗ trợ 3,5-4 triệu hộ chính sách, hộ nghèo với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra trong thời gian tới, EVN sẽ tăng cường việc tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong năm 2015, EVN đã tiết kiệm được khoảng 1.500 tỷ đồng.

Khôi Minh