Xây dựng thành phố sân bay song song với cảng hàng không Long Thành để hướng đến những khoản doanh thu “kếch sù” là một ý tưởng đã được Đồng Nai hướng tới từ trước.

Trong phiên họp Quốc hội ngày 13/11 thảo luận về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ quy hoạch ngay một thành phố Long Thành song song với việc xây dựng sân bay để mang lại nguồn thu hàng  tỉ USD; đồng thời giúp phát triển trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam bộ.

Ý tưởng trên của đại biểu Cường được nhiều người ủng hộ, bởi với tầm vóc, quy mô của một cảng hàng không tầm cỡ như Long Thành, kéo theo sự hình thành của một đô thị là điều hoàn toàn có cơ sở. Thực tế ở các quốc gia phát triển, mô hình thành phố sân bay được áp dụng ngày càng nhiều do mang lại cơ hội, lợi ích về phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, trung chuyển…

Mô hình thành phố – sân bay Incheon (Hàn Quốc) là một điển hình. Incheon là sân bay quốc tế chính của thủ đô Seoul và là sân bay lớn nhất Hàn Quốc. Đây là một trong những cảng trung chuyển hàng không lớn nhất và nhộn nhịp nhất trên thế giới, là cửa ngõ quan trọng vào Đông Á và cả châu Á.

Cùng với sân bay, cảng hàng không Incheon hiện là airport city (thành phố sân bay), góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế khu vực. Hàng năm, sân bay này có doanh thu từ các dịch vụ, gian hàng phục vụ khách du lịch… lên đến hàng tỷ USD.

Doanh thu khổng lồ này là điều Đồng Nai ao ước và quyết tâm hiện thực hóa. Tháng 1/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Đại học Inha (Hàn Quốc) về quy hoạch xung quanh sân bay Long Thành.

Tại đây lãnh đạo Đồng Nai ngỏ ý Đại học Inha tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu mô hình airport city cho Long Thành. Với đòn bảy từ sân bay Long Thành, Đồng Nai không giấu diếm tham vọng xuất hiện thành phố sân bay hiện đại, một “Incheon  2” ngay trên địa phương.

Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện một sớm một chiều. Bởi dẫu cảng hàng không quốc tế Long Thành được đánh giá có thể phát triển theo mô hình tương tự Incheon, nhưng như Inha khuyến cáo, còn thiếu rất nhiều yếu tố để Long Thành đạt tới tầm vóc của “nguyên mẫu”.

Hạ tầng giao thông là một điểm yếu mà Đồng Nai cần khắc phục. Hiện giao thông kết nối Long Thành với các khu vực trung tâm, đặc biệt là TP HCM đang là một điểm trừ lớn. Theo tính toán của Inha, quãng đường từ sân bay Long Thành về trung tâm TP.HCM khoảng 30-40 km và phải làm sao để thời gian di chuyển chỉ 20 phút – một điều không dễ thực hiện tức thì.

Không chỉ các chuyên gia nước ngoài, ở trong nước những người tâm huyết với ý tưởng thành phố sân bay như đại biểu Cường cũng lo ngại về nguy cơ “vỡ dự án”.

Theo ông Cường, với lưu lượng tới 100 triệu hành khách mỗi năm, lại nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, chắc chắn khu vực sân bay Long Thành sẽ hình thành khu đô thị mới. Nhưng ông Cường lo lắng, với quy hoạch như hiện nay, việc hình thành khu tái định cư tại Bình Sơn ngay bên cạnh với quy mô tới 289,79 ha sẽ “lấn sân” và phá vỡ quy hoạch thành phố sân bay.

Không chỉ vậy, đại biểu này còn chỉ ra việc nguy cơ thành phố sân bay có thể biến thành thành phố của… người âm nếu như giữ quy hoạch nghĩa trang Bình An như hiện tại. Theo báo cáo sẽ có 50,9ha đất tại đây dùng cho quy hoạch nghĩa trang.

Trong phạm vi cách thành phố lớn từ 40 – 70km hiện nay thì giá bán mỗi 1m2 đất đặt phần mộ cho người chết còn cao hơn đất xây biệt thự cho người sống. Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt là xã Bình An nằm trong trung tâm phát triển đô thị trong tương lai thì giá đất nghĩa trang có thể cao hơn nhiều so với đất biệt thự hạng sang ở các đô thị lớn.

Do vậy, nếu quy hoạch nghĩa trang tại Bình An với diện tích lớn gần gấp 3 lần so với nghĩa trang Văn Điển hiện nay, thành phố sân bay mang tên Long Thành rất có thể sẽ chỉ là danh xưng mà không bao giờ được như kỳ vọng.

Thanh Tùng