Những cây cầu dân sinh ở Quảng Trị đang xuống cấp trầm trọng, đe dọa tính mạng của người dân. Trong khi theo dự báo, những ngày tới khu vực miền Trung sẽ có mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mùa bão lũ cũng đã bắt đầu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) có 168 cây cầu dân sinh, trong đó khoảng 30–40 cầu tạm, cầu đã xuống cấp, nhiều hệ thống sông ngòi chảy qua. Vì vậy, đến mùa mưa bão, phần lớn các cây cầu bị ngập úng nặng, chia cắt hoàn toàn, không thể tham gia lưu thông được.

Cầu Trâm Lý bắc qua sông Nhùng được xây dựng vào năm 1985, đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương của người dân xã Hải Quy và các xã lân cận (ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) (Ảnh VOV).
Đến nay, sau hơn 32 năm sử dụng, cây cầu xuống cấp nghiêm trọng, đi trên cầu rung lắc bần bật, nguy cơ bị lũ cuốn trôi bất cứ lúc nào khi mùa mưa đến.
Theo báo Dân Trí, dầm cầu Trâm Lý được làm bằng sắt đang bị gỉ sét, biến dạng và đứt gãy. Hệ thống lan can cầu được nối bằng bê tông cũng gãy nhiều đoạn, không còn khả năng bảo vệ.
Địa phương đã cắm biển hạn chế các phương tiện ô tô qua cầu nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân đi lại trên cầu. Một người dân cho biết, mùa mưa lũ cầu không thể đi được và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đã có 3 người suýt chết do bị nước cuốn tại cây cầu này (Ảnh Dân Trí).
Còn cây cầu Phú Hưng, nằm trên tuyến đường giao thông liên xã Hải Quy đi Hải Phú phục vụ việc đi lại cho hơn 2.000 hộ dân cũng đang hư hỏng nặng.
Dầm cầu có dấu hiệu lõi thép bị bung, hoen gỉ, hai bên lan can cầu rơi rụng gần hết chỉ còn vài trụ bê tông.
Trụ cầu không chắc chắn và yếu do quá trình sử dụng lâu mà không được bảo trì.
Cầu Xóm Sen bắc ngang qua sông Bến Đá ở thôn Mỵ Trường (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) phục vụ việc đi lại cho hàng trăm hộ dân (Ảnh Dân Trí).
Đây là cây cầu tạm, được người dân xây dựng từ 40 năm trước, có chiều dài hơn 30m và rộng 1,5m, nhưng không được sửa chữa nên cũng đang xuống cấp trầm trọng.
Mỗi lần đi qua cây cầu này mà có xe máy đi qua cũng khiến cầu rung lắc. Hơn nữa, cầu không có lan can lại có nhiều học sinh đi qua trở thành mối nguy hiểm đe dọa tính mạng các em.
Cảnh học sinh đi qua cây cầu yếu không lan can khiến ai nhìn cũng thấy bất an. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, mỗi lần đi qua cây cầu này có thể lao xuống sông bất cứ lúc nào (Ảnh VOV).

Trước tình hình trên, UBND huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương cắm biển báo, cảnh báo cho người dân không đi qua các vùng nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Một vị đại diện huyện Hải Lăng cho biết, cầu nằm ở vùng thấp trũng của huyện nhưng do nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực giao thông rất nhỏ nên không thể đáp ứng yêu cầu xây dựng mới.

Tuấn Anh (T/H)