UBND Hà Tĩnh có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện biện pháp ngăn chặn tình trạng thả rông bò trên các tuyến đường bộ, đường sắt. Địa phương nào không thực hiện tốt sẽ bị xử lý.

Tình trạng trâu bò thả rông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ là một trong những nguyên nhân chính gây ra không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Đơn cử như đêm 29/10, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, trên QL 1A thuộc địa bàn xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn xe máy do người điều khiển phương tiện tông phải bò thả rông. Hậu quả là 3 người bị thương, trong đó 1 người bị chấn thương sọ não phải nhập viện và 2 con bò chết tại chỗ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, 10 tháng đầu năm Hà Tĩnh xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trâu bò thả rông, làm chết 3 người. Ảnh: Dân trí.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo các địa phương phải cam kết không thả rông trâu bò với từng tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu bò; mở đợt kiểm tra, xử lý từ ngày 1/11 đến 15/11.

Với những địa bàn “nóng” như tại huyện Can Lộc – nơi xảy ra rất nhiều vụ tai nạn do bò thả rông vừa qua, nếu còn duy trì tình trạng bò thả rông trên đường thì chủ tịch xã buộc phải mất chức.

“Can Lộc sẽ có biện pháp cụ thể để người dân không tái diễn tình trạng thả rông trâu bò trên quốc lộ, tỉnh lộ. Nếu chủ tịch xã nào không làm được, huyện yêu cầu xử lý nghiêm, thậm chí là cách chức.”- Bí thư Huyện ủy Can Lộc, ông Nguyễn Như Dũng cho biết thêm.

Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trâu bò, làm 3 người tử vong và hơn 30 con trâu bò bị chết. Trong số này có khoảng 50 vụ xảy ra trên đường bộ, chủ yếu tại QL 1A, đoạn qua các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và 15 vụ trên đường sắt, qua các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ.

Hoàng Minh