Đại học FPT đã gây “sốc” khi chấp nhận phương thức đóng tiền học và các loại phí khác bằng đồng tiền ảo bitcoin. Một số ý kiến cho rằng đó là bước tiến lớn trong phát triển công nghệ tiền ảo, tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng phương thứ này gián tiếp khuyến khích sinh viên đầu tư mạo hiểm.

Chủ tịch Đại học FPT, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho biết FPT là một trường đào tạo thiên về lĩnh vực công nghệ, mà bitcoin lại được coi là một sản phẩm tuyệt vời của công nghệ. Vì vậy, phía nhà trường thấy rằng việc tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ trong cuộc Cách mạng 4.0 là điều nên làm.

Việc áp dụng thu học phí bằng bitcoin mới chỉ áp dụng với sinh viên ngoại quốc, còn nhà trường chỉ khuyến khích sinh viên trong nước sử dụng hình thức này do luật pháp Việt Nam chưa có quy định chính thức về đồng tiền bitcoin.

Có người tung hô vì Việt Nam đã bắt đầu học tập theo một số nước phát triển, đó là tín hiệu đáng mừng cho nền công nghệ và thị trường thương mại điện tử của Việt Nam. Ảnh: laodong.vn
Trong khi đó, một số cộng đồng mạng lại cho rằng bitcoin là “một quả bóng sắp nổ”, việc chấp nhận giao dịch bằng bitcoin có thể sẽ mang đến khá nhiều rủi ro. Ảnh: laodong.vn
Ảnh: laodong.vn

Quyết định này của FPT đã tạo nên một cơn sóng dư luận trên mạng xã hội. Phía tán thưởng thì cho rằng đây là tín hiệu tốt cho thị trường thương mại điện tử và mở một lối đi cho công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, giới phản đối thì lại cho rằng giao dịch bằng tiền ảo sẽ đem lại rủi ro cao.

Bitcoin được phát hành năm 2009 bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua bất kỳ chính phủ hay ngân hàng trung ương nào. Ai cũng có thể tham gia vào thế giới bitcoin mà không cần cung cấp thông tin cụ thể, giao dịch không mất lệ phí, chỉ cần giải mã được những phương trình toán học và đưa ra đáp án chính xác.

Tất cả người tham gia dùng tiền thật để đổi thành đồng bitcoin. Dần dần, khi số lượng người tham gia mạng lưới này, nó sẽ tạo nên một “mỏ vàng”. Người tham gia sẽ cũng nhau “đào vàng” để kiếm tiền, những người có hệ thống máy tính cực mạnh và khối kiến thức về tin học uyên thâm sẽ có khả năng “đào” được nhiều vàng hơn.

Cũng chính vì vậy, các doanh nghiệp nghiên cứu về công nghệ như FPT luôn mong muốn được thử nghiệm cách kiếm tiền bằng công nghệ này, từ đó nâng cao sức cạnh tranh với những đối thủ xứng tầm khác.

Tuy nhiên, kể từ khi ra đời, bitcoin đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới vì khả năng bất định hình, tức là không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Nó đang trở thành một loại tiền tệ ảo thách thức chính phủ và định chế tài chính của các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, tại Việt Nam, bitcoin cũng đang dần trở nên phổ biến hơn.

Điển hình là có rất nhiều các trung tâm, trang mạng đăng thông tin hướng dẫn “đào vàng” từ bitcoin, nhờ đó, người dùng bitcoin sẽ thu được một khoản đáng kể. Tuy nhiên khi mọi thứ chỉ là tiền ảo, không có đơn vị đứng đầu rõ ràng, cũng không có ràng buộc  bởi luật pháp thì bitcoin vẫn chưa chiếm được hoàn toàn lòng tin từ phía người tiêu dùng.

Cũng do bitcoin đã “xâm nhập” vào thị trường Việt Nam từ khá lâu và đang dấy lên nhiều thông tin trái chiều nên vào ngày 25/10, trong cuộc thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Phạm Phú Quốc đã đề xuất Việt Nam nên sớm luật hóa giao dịch bitcoin để giám sát các giao dịch dân sự đã tồn tại và có thể áp dụng luật thuế với những thu nhập từ các giao dịch.

Hiện nay, Việt Nam chưa có điều luật nào công nhận bitcoin là một loại tiền tệ chính thức, có thể dùng để thanh toán trong thị trường Việt Nam. Song, Nhà nước cũng không nghiêm cấm việc mua bán, sở hữu dưới dạng đồng tiền ảo.

Hoàng Minh