Từ năm 2012 đến tháng 6/2017, trên toàn quốc đã xảy ra hơn 9.200 vụ việc liên quan đến vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ.

Đặc biệt, việc rao bán vũ khí ngày càng khó kiểm soát vì nó diễn ra một cách công khai và phức tạp. Các “chủ buôn” vũ khí đã lợi dụng khả năng tương tác cũng như kẽ hở của mạng xã hội để làm nơi rao hàng.

Chỉ tính từ ngày 1/7 đến ngày 26/8/2017, ghi nhận có gần 92.500 lượt tương tác trên mạng xã hội bao gồm bài đăng, bình luận, chia sẻ, lượt thích liên quan đến hành vi mua bán vũ khí.

Nhiều đối tượng mua bán vũ khí đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. (Ảnh minh họa).

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), để phục vụ người mua, các chủ tài khoản đã chủ động móc nối đường dây nhập lậu nhiều loại súng, công cụ hỗ trợ có giá thành phong phú (từ vài trăm đến vài triệu).

Thậm chí, thấy việc bán vũ khí lợi nhuận cao, nhiều đối tượng còn tự sản xuất súng bằng công nghệ 3D hoặc nâng cấp tính năng các loại súng rồi bán ra thị trường.

Ông Tuấn lo ngại, việc ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này khó kiểm soát do vướng mắc quy định của pháp luật.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Vũ Thanh Chương, Phó Giám đốc CA TP Hải Phòng cho rằng, quy định pháp luật không đủ sức răn đe nên loại tội phạm mua bán “hàng nóng” trên mạng ngày càng lộng hành, biến tướng phức tạp.

Trước đó, ngày 16/11 trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM, Bùi Đức Hoàng bị CA TP.HCM bắt giữ cùng tang vật là 14 khẩu súng ngắn bắn đạn bi kim loại, 20 hộp tiếp đạn, 3.600 viên đạn bi, 37 bình gas các loại.

Vào cuối tháng 10/2017, CA tỉnh Thái Bình triệt phá đường dây chuyên mua bán, sản xuất trái phép vũ khí tự chế qua mạng với sự tham gia của 28 đối tượng, thu giữ hơn 20 khẩu súng tự chế các loại, 20 nòng súng, 3 bầu nén khí và nhiều phụ kiện dùng để chế tạo vũ khí có tính năng sát thương và gây tử vong cao.

Đáng nói, cả 2 vụ trên, các đối tượng đều sử dụng mạng xã hội để làm nơi “rao” hàng.

Hoàng Minh