Hoa anh đào với vẻ đẹp của thiên đường, đã trở thành biểu tượng của đất nước Nhật Bản được truyền tụng qua nhiều đời. Có một câu chuyện cổ về loài hoa này cho thấy tinh thần nhân văn sâu sắc của người xưa.

Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng ở Nhật Bản, có một ông lão sống cùng vợ trong một căn nhà nhỏ. Họ nghèo, nhưng sống rất yên bình, nỗi buồn duy nhất của họ là không có con.

Một sáng sớm, khi ra vườn để chăm sóc cây thì bà cụ nghe thấy tiếng kêu của một con thú nhỏ. Giữa đám rau bà tìm thấy một chú cún trắng xinh xắn, không biết từ đâu ra. Bà bọc nó trong tấm tạp dề, rồi mang về nhà.

(Ảnh: deviantart.com)
(Ảnh: deviantart.com)

“Ông xem, tôi tìm thấy gì trong vườn này!”

Ông cụ rất vui khi nhìn thấy chú chó và cho rằng đây là món quà của trời cho. Hai người quyết định sẽ nuôi nấng nó như thể con của họ.

Họ đặt cho nó cái tên Shiro – nghĩa là “màu trắng” và yêu thương nó hết mực. Bất kể khi nào họ có bánh gạo hay một mẩu thịt cá, Shiro đều được ăn một nửa, còn 2 ông bà chia nhau phần còn lại.

Shiro lớn nhanh thành một chú chó khỏe mạnh và thông minh. Nó thuộc giống Akita nổi tiếng, và trông như một con sói nhỏ trắng tinh. Ông cụ cũng dắt Shiro đi theo mỗi khi ông đi đâu đó.

Một ngày nắng đẹp, ông nghe tiếng Shiro sủa rất lâu ở cánh đồng sau nhà, bèn đi ra xem. Khi ông đến, con chó ngay lập tức chạy lại, đuôi ve vẩy. Nó ngoạm vào áo kimono của ông rồi kéo ông đến dưới bóng một cái cây, rồi bắt đầu dùng chân đào dưới đất, lại còn kêu oẳng oẳng vui sướng.

“Shiro, mày làm gì thế? Định đào cái gì ư?”

Ông lão bèn ra sau nhà lấy cái xẻng, rồi ra giúp Shiro.

Thật kinh ngạc, sau một lúc đào bới, ông lão tròn mắt khi nhìn thấy nhiều đồng xu vàng đắt giá – một kho báu cổ ngay dưới lớp đất!

“Không thể tin được! Shiro, làm sao mày tìm được kho báu này?”

Shiro ngồi đó, như thể tự hào nói “Ông thấy đấy, tôi chỉ là chó nhưng tôi muốn đền đáp lòng tốt của 2 người!”

Ông lão đi gọi bà cụ, và họ mang kho báu về nhà. Giờ họ đã trở nên giàu có, và không bao giờ phải chịu đói nữa. Mọi người đều nói họ may mắn, nhưng ông cụ bảo: “Tôi may mắn không phải vì số tiền, mà vì tôi có một người bạn tốt.” Ông hào phóng chia sẻ số tiền với hàng xóm.

Shiro và cặp vợ chồng già sống hạnh phúc trong nhiều năm… Rồi con chó già đi…

Một buổi tối mùa thu, sau khi ăn xong bữa tối, Shiro nằm gối đầu lên đùi ông lão, nó nhắm mắt lại rồi không bao giờ mở ra nữa.

Hai ông bà cụ đã khóc nhiều ngày vì quá đau lòng. Họ chôn Shiro ở vườn sau, và cắm một cành thông để đánh dấu.

Họ đến thăm mộ mỗi ngày. Nhưng rồi ngày nọ, một sự việc kì lạ đã xảy ra. Cành thông trên mặt đất mọc rễ và lớn nhanh như thổi. Chỉ trong vài tuần nó đã trở thành một cây thông lớn.

Bã lão nói, “Ông à, có nhớ Shiro nhà ta thích ăn bánh gạo không? Hãy làm một cái cối từ gỗ cây thông, và làm bánh gạo để tưởng nhớ Shiro.”

Rồi ông lão làm theo như vậy, ông làm một cái cối từ chạc cây.

Khi họ lấy gạo làm bánh, bỏ vào cái cối này rồi dùng chày để giã thì một việc phi thường đã xảy ra. Gạo cứ nhiều lên, nhiều lên cho đến khi chảy ra khỏi cối, rồi lấp đầy cả căn bếp!

“Linh hồn của Shiro vẫn ở cùng chúng ta,” ông lão nói. Ông mang gạo đó tặng cho mọi người trong làng, và vẫn còn dư rất nhiều để dùng cho gia đình.

Lãnh chúa ở đó có một đứa con trai rất ích kỉ và tham lam. Hoàng tử này đã nghe nói về chiếc cối thần kì, nên muốn chiếm nó cho riêng mình. Anh ta đã sai lính đến nhà của cặp vợ chồng già để cướp nó đi. Nhưng khi anh ta bỏ gạo vào cối giã, chẳng có gì xảy ra cả. Nó chỉ giúp cho ông bà cụ mà thôi. Hoàng tử tức giận và ra lệnh “Hãy đốt cái cối ngu ngốc này đi!”

Sau khi ông lão nghe tin này, ông rất buồn, nhưng chẳng thể làm gì. Ông đến lâu đài và xin lại tro của cái cối. Ông được đưa đến bếp lò ở đó, và mang về một giỏ đầy tro.

“Bà à, cây thông của Shiro giờ đã thành tro rồi.”

Chẳng biết làm gì, ông đi ra vườn sau để rải đám tro ấy. Bỗng, một cơn gió mạnh thổi tro bay lên một đám cây anh đào già cỗi, và một phép lạ đã xảy ra…

Khi ấy đang là mùa đông, và những cây đào nằm xơ xác trong vườn, không hoa, không lá. Vậy mà, khi tro vừa chạm vào cành, chúng liền biến thành những bông hoa màu hồng rực rỡ. Khu vườn sau nhà của ông lão bỗng biến thành một bức tranh mùa xuân xinh đẹp.

“Một món quà khác từ Shiro!”

Sau đó, ông lão đi quanh làng, rải tro lên những cây khác. Không lâu sau cả vùng quê ấy nở đầy hoa xinh đẹp, và trái tim ông lão được lấp đầy niềm vui xen lẫn những kỉ niệm với người bạn cũ.

Tin tức đến tai của lãnh chúa. Ông ta cho mời ông lão đến lâu đài và nhờ ông làm cho cây anh đào ở đó nở hoa. Khi ông lão thực hiện xong, vị lãnh chúa rất ấn tượng với cây anh đào nở hoa ngay giữa mùa đông lạnh giá. Ông viết một bài thơ haiku tặng ông lão như sau:

Linh hồn trung thành còn sống mãi
Trong trái tim của người và vật
Biến cây hoa đào chết nở hoa

Ông lão đáp lại cũng bằng thơ:

Cuộc đời vui buồn rồi cũng qua
Như gió kia thổi giữa hoa đào
Chỉ tình bạn trường tồn bên ta

Vị lãnh chúa đã xin lỗi vì hành vi xấu của con trai mình. Ông đã trừng phạt nặng hoàng tử vì đã hành xử với lòng tham và sự ích kỉ. Còn ông lão thì được ban thưởng và một đoàn tùy tùng đưa về tận nhà.

Sau đó, mọi người gọi ông là Ông Lão Hoa Anh Đào. 2 ông bà cụ sống hạnh phúc được thêm nhiều năm nữa.

Cùng ngắm nhìn bộ ảnh hoa anh đào tuyệt đẹp của tác giả Gin The Wanderer gửi tới cho Đại Kỷ Nguyên: (nhấn vào ảnh để phóng to và xem liên tục)

Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 11
Mặc dù Sakura không được công nhận chính thức là Quốc hoa, nhưng được người dân Nhật yêu thích, nên thực tế nó tồn tại như biểu tượng là quốc hoa của nước Nhật.
Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 10
Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh đào, đặc biệt ở trong các công viên, ven sông, dọc theo bờ kênh
Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 8
Với người Nhật, Sakura tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng
Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 6
Hoa anh đào là loại hoa “thoắt nở thoắt tàn” nên được các samurai rất yêu thích, vì nó tượng trưng cho “con đường chết” của người võ sĩ (sống và chết như hoa anh đào).
Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 9
Ở Nhật Bản, hoa anh đào thường nở vào mùa xuân, tuy từng nơi mà hoa có thể nở sớm hơn hay muộn hơn.
Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 7
Trong mùa hoa anh đào nở, nước Nhật như được bao phủ trong một đám mây hoa và những cánh hoa rơi rụng lả tả trong gió như một trận mưa hoa vừa kiêu hãnh vừa bi tráng
Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 3
Người Nhật thường tổ chức lễ hội mừng hoa khắp nước. Thanh niên nam nữ tổ chức cắm trại vui chơi. Các cụ già ngồi uống rượu sake dưới gốc cây…
Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 14
Thời gian tồn tại của một bông hoa anh đào thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần.

Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 5 Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 4 Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào2 Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào1 Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 13 Câu chuyện cổ tích về hoa anh đào 12

Nguồn: motoko.folktales.net
Trần Phong biên dịch
Ảnh hoa đào: Gin the Wanderer

Xem thêm: