Áp lực cuộc sống, phong cách và môi trường sống hiện đại đang tàn phá sức khỏe của người dân trong mọi góc độ. Không chỉ các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất, mà các bệnh tâm thần, tâm lý cũng đều đồng loạt gia tăng và trẻ hóa.

20% dân số có vấn đề tâm thần

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 20% dân số đang mắc 1 trong 10 loại bệnh tâm lý, tâm thần thường gặp như: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Đặc biệt trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, thì có tới hơn 45% ở độ tuổi dưới 30.

Ghi nhận tại một số khoa và bệnh viện tâm thần cho thấy số trường hợp đến khám và điều trị đều đặn tăng lên một cách đáng kinh ngạc. Số bệnh nhân còn đang trong độ tuổi đi học chiếm lượng lớn. Những trường hợp đang là học sinh giỏi và bị phát bệnh tâm thần không phải hiếm gặp.

Ngoài ra, còn có nhiều người mắc bệnh rối loạn tâm thần nhưng không tự biết, không thừa nhận hoặc không được khám chữa kịp thời.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần, như: di truyền, mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh. Cũng có thể là do tác động trực tiếp từ lối sống hàng ngày, như nghiện game, rượu, ma túy tổng hợp. Các biến cố trong đời sống cá nhân, áp lực trong cuộc sống, về kinh tế, công việc, học hành căng thẳng… gây ra những tác động không nhỏ tới tâm lý.

Một trong những nguyên nhân ít được thống kê đến là từ các vấn đề xã hội: bất mãn về chính sách kinh tế xã hội, bất lực trong việc đấu tranh đòi công lý, công bằng. Sự khủng hoảng niềm tin vào giá trị sống và hiện tượng xuống dốc của đạo đức xã hội dẫn đến tâm lý, tinh thần nhiều người bị khủng khoảng theo, làm gia tăng bệnh tâm thần, trầm cảm.

Mối nguy rối loạn tâm thần từ ngay trong gia đình

Theo các chuyên gia, các tổn thương mà một người phải chịu khi còn nhỏ có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn tâm thần.

Trong một nghiên cứu từ Úc do nhà tâm lý học Michael Duhig đứng đầu công bố trên Tạp chí Tâm thần học của Úc và New Zealand, hơn 75 phần trăm số người mắc chứng rối loạn tâm thần cho biết họ từng gặp phải một số tổn thương từ thời thơ ấu, có thể là tổn thương tình cảm, bị phớt lờ bỏ bê, tổn thương thể chất, lạm dụng tình dục…

Tại Việt Nam, vấn nạn bạo lực đang lan ra ngày càng rộng trong xã hội, từ bạo hành trong gia đình đến trường học, tranh giành ngoài xã hội cho đến đấu đá tại công sở…

Liên quan đến bạo hành trong gia đình, con số thống kê cho thấy có 2/3 phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân bạo lực gia đình âm thầm chịu đựng chứ không nhờ chính quyền can thiệp, trừ những vụ nghiêm trọng. Bạo hành gia đình làm gia tăng áp lực tâm lý lên các thành viên, đặc biệt là tác động lên trẻ nhỏ, góp phần gây ra các bệnh tự kỷ, trầm cảm, rối loạn tâm thần…

Nhiều học sinh đang chịu những áp lực quá lớn của việc học tập

Nạn bạo hành trẻ em cũng là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Đa số các ông bố bà mẹ đều lo lắng con mình sẽ bị ngược đãi hoặc bị uy hiếp khi đi học, ngay từ các lớp mầm non cho đến lớp tiểu học, trung học. Hơn thế nữa, bạo hành xuất phát ngay từ bố mẹ với con cái trong nhà. Nhiều người còn cho rằng sử dụng roi vọt, quát mắng nặng lời để ép ăn, ép học… là hiển nhiên và cần thiết trong nuôi dạy con cái. Điều này hoàn toàn trái ngược với phương pháp nuôi dạy trẻ nhỏ tại các nước phát triển.

Một năm có đến 100 trẻ em chết vì bị bạo hành tại Việt Nam, số trẻ bị thương tật và tổn thương tinh thần do bạo hành gây ra thì không sao thống kê hết được.
Một năm có đến 100 trẻ em chết vì bị bạo hành tại Việt Nam, số trẻ bị thương tật và tổn thương tinh thần do bạo hành gây ra thì không sao thống kê hết được.

Theo ông Lê Thế Nhân – Chủ tịch Trung tâm phát triển cộng đông và công tác xã hội (Huế), thì có lẽ phải có tới 99% số trẻ em ở Việt Nam bị bạo hành nếu chiếu theo Công ước quyền trẻ em, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em Việt Nam, chứ không phải là gần 75% như UNICEF công bố trước đó.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng nhìn chung rối loạn tâm lý, rối loạn tâm thần đều có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhận và những người xung quanh. Trong trường hợp phát hiện sớm và kịp thời điều trị, bệnh có thể thuyên giảm nhưng khó có thể chữa khỏi hoàn toàn do các tác động tâm lý đã ăn sâu vào ký ức. Để giải quyết tận gốc vấn đề, việc nhìn nhận đánh giá lại toàn diện phương pháp giáo dục hiện tại, tư duy lãnh đạo quản lý xã hội là điều cấp thiết phải làm.

Minh Thành tổng hợp

Xem thêm: