Bạn đã từng uống sữa bò ngay cả khi đã lớn? Nếu có, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về điều kỳ lạ này.

Không phải ai cũng tiêu hóa được sữa

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì duy chỉ có con người là còn duy trì việc uống sữa sau giai đoạn sơ sinh đầu đời. Và sự thực là cơ thể chúng ta không được thiết kế cho việc này, cho nên hầu hết mọi người đều có phản ứng khó chịu khi uống sữa như đầy bụng, đau bụng, sinh khí, thậm chí là đi ngoài phân lỏng

Đây không phải là hiện tượng ứng thực phẩm thông thường như bạn vẫn gặp như với trứng, đậu phộng, cá, sò cua và gluten… chúng có thể tàn phá hệ miễn dịch của những người bị dị ứng, thậm chí gây ra sốc chết người vì quá mẫn.

Với sữa thì khác. Trước hết, phần lớn những người có phản ứng với sữa không thực sự dị ứng với nó, vì đó không phải do hệ thống miễn dịch đáp ứng với loại thực phẩm này. Mà lý do chủ yếu là bạn không có hệ enzyme để tiêu hóa sữa, đặc biệt là thành phần đường lactose có trong đó.

Nếu bạn không có hệ enzyme để tiêu hóa sữa, đặc biệt là thành phần đường lactose có trong đó đường không được tiêu hóa sẽ đi đến đại tràng. (Ảnh: webmd.com)

Để tiêu hóa được lactose, bình thường người ta cần có enzym chuyên trách phân giải lactose là lactase. Khi một người trong độ tuổi từ hai đến năm, cơ thể không sinh ra lactase nữa. Đường không được tiêu hóa sẽ đi đến đại tràng, nơi đây chúng bắt đầu lên men, tạo ra khí có thể gây ra chứng chuột rút, đầy bụng, buồn nôn, đầy hơi và tiêu chảy…

Theo một số liệu nghiên cứu của USA Today, số người có thể thực sự tiêu hóa sữa ở tuổi trưởng thành tùy thuộc vào nguồn gốc:

  • Người Mỹ bản địa: xấp xỉ 0%
  • Người châu Á: 5%
  • Người châu Phi: 25%
  • Người Địa Trung Hải: 50%
  • Người châu Âu: 90% trong đó Thụy Điển có tỷ lệ phần trăm những người dung nạp lactose cao nhất thế giới.

Có nhiều chuyên gia đã thử nghiên cứu về sự khác biệt này và người ta có lẽ chú ý nhất đến nghiên cứu của Mark Thomas và cộng sự thuộc Đại học London (Anh quốc), theo đó có một sự đột biến di truyền cách đây khoảng 7,500 năm trên những người chăn nuôi bò. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS Computational Biology.

Sự khác biệt về khả năng tiêu hóa đường lactose dường như gắn liền với tập quán văn hóa ẩm thực cũng như điều kiện địa lý tự nhiên, sự hiện diện của những đồng cỏ mênh mông, truyền thống chăn nuôi bò sữa từ xa xưa của các vùng đất… Những người vẫn còn hệ men lactase cao nhất sống ở phía Tây Bắc của châu Âu, đặc biệt là Hà Lan, Ireland và Scandinavia.

Sữa bò có thực sự bổ dưỡng?

Trong 100 g sữa nguyên kem (xấp xỉ 100 ml) chứa 3,3 gr protein, chủ yếu là casein, 4,6 g carbohydrate chủ yếu là đường lactose, 4 g chất béo, 118 mg canxi và một số chất khoáng cũng như vitamin.

Như đã nói ở trên, sau giai đoạn 5-6 tuổi, cơ thể người không còn biết tiêu hóa lactose. Số đường này vào cơ thể gây cho bạn cảm giác nặng bụng ấm ách không tiêu, nó chỉ nuôi béo đám vi khuẩn sinh khí trong đại tràng. Ngoài ra có thể khiến người ta tiêu chảy. Đa phần các nhà sản xuất sữa công nghiệp đều bổ sung thêm đường vào sữa thành phẩm khiến chúng trở nên ngọt lịm. Đứng từ góc độ dinh dưỡng, các chuyên gia khuyên hãy nên hạn chế dùng đường để giảm thiểu các rủi ro sức khỏe.

Nên nhớ rằng, để xương chắc khỏe, ngoài canxi mà sữa cung cấp ra cơ thể cần có các khoáng chất khác như Phospho, Magie, protein, vitamin D, K. (Ảnh: greenpediatrics.com)

Nói về chất đạm casein, đây cũng không phải loại protein dễ tiêu hóa và hấp thu với cơ thể. Nếu uống một hộp sữa thông thường cỡ 180 ml, bạn nạp vào gần 6 g protein, tương đương với 1 quả trứng gà, tuy nhiên về chất lượng thì không thể.

Tâm lý nhiều người muốn ép con trẻ uống sữa để có đủ canxi và nhanh cao lớn. Nhưng xét riêng về hàm lượng canxi thì cũng chỉ ở mức trung bình. Đồng thời, nên nhớ rằng, để xương chắc khỏe, ngoài canxi, cơ thể cần có các khoáng khác như Phospho, Magie, protein, vitamin D, K….

Do vậy, uống sữa không hẳn là lựa chọn tối ưu nếu bạn muốn cung cấp dưỡng chất cho cơ thể. Tất nhiên, các loại sản phẩm lên men từ sữa thì có lợi ích là nguồn bổ sung các lợi khuẩn giúp cho đường ruột khỏe mạnh hơn.

Minh Thành