Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Kịch bản sẽ có thể tệ hơn với các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao, bao gồm Việt Nam trong đó.

Ngay từ khi kháng sinh đầu tiên – penicillin ra đời vào năm 1928, cuộc chiến với vi khuẩn kháng thuốc đã bắt đầu. Thực tế cho thấy, mỗi khi một thuốc mới được nghiên cứu ra thì nhanh chóng lại bị vi khuẩn kháng lại. Gần đây, tốc độ kháng kháng sinh của vi khuẩn quá nhanh, thuốc mới chỉ có mặt trên thị trường 2-3 năm đã bị kháng. Thêm vào đó, chi phí tốn kém, nên hầu hết các hãng dược đã ngừng đầu tư nghiên cứu thuốc mới, nguy cơ xuất hiện một thảm họa kháng thuốc đã quá rõ.

Một khảo sát của Bộ Y tế cho thấy ở khu vực thành thị có đến 88% kháng sinh được bán ra mà không cần kê đơn, còn ở nông thôn tỷ lệ này còn cao hơn, lên đến 91%. Tại các nước có nền y tế tiến bộ như ở châu Âu, Bắc Mỹ thì người dân chỉ mua được kháng sinh nếu có đơn thuốc của bác sĩ. Điều này tạo ra sự khác biệt về số người chết vì kháng kháng sinh trên thế giới năm 2050 theo dự tính của WHO. Nhiều nhất là ở châu Á, gồm cả Việt Nam, sẽ có khoảng gần 5 triệu người chết.

Kịch bản phân bố số người chết vì vi khuẩn kháng thuốc năm 2050 (qua BBC)

Thực ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi khuẩn siêu kháng thuốc xuất hiện, nhưng giới y khoa đặc biệt báo động tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Văn Ca, phó trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: ở VN, người dân có thể mua bất kỳ kháng sinh nào họ muốn mà không cần đơn của bác sĩ. “Uống kháng sinh không đủ liều, sử dụng thái quá, cảm cúm cũng uống kháng sinh, sử dụng thuốc không đúng bệnh. Tại bệnh viện, một số bác sĩ dùng phác đồ điều trị bao vây, chỉ định ít nhất hai kháng sinh/đơn thuốc, thậm chí có trường hợp bác sĩ ở tuyến dưới chỉ định hai kháng sinh diệt khuẩn, một kháng sinh kiềm khuẩn, sai nguyên tắc kết hợp” – PGS Ca nhận xét.

Bên cạnh đó là tình trạng sử dụng kháng sinh khá bừa bãi trong chăn nuôi cũng khiến một số thực phẩm từ động vật còn tồn dư kháng sinh, ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm với kháng sinh trên người. Theo PGS Ca, tùy vùng miền, nhưng người dân vùng núi, hải đảo vẫn còn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh. Dân cư thành thị đã từng sử dụng nhiều thuốc, tỉ lệ kháng thuốc cao hơn. Vì thế rất nên làm kháng sinh đồ cho bệnh nhân để chọn ra loại thuốc hiệu quả nhất cho họ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết hầu hết cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1, Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo hơn, nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, loại “siêu vi khuẩn” vừa được các nhà khoa học trên thế giới phát hiện là một loại vi khuẩn tiết ra men (enzym) NDM-1. Loại men này có thể kháng lại hầu hết mọi loại thuốc kháng sinh, kể cả nhóm kháng sinh mạnh nhất là carbapenem.

Lạm dụng thuốc góp phần đẩy nguy cơ kháng kháng sinh lên cao hơn bao giờ hết

Một khi loại siêu vi khuẩn đó phát tán rộng rãi, thì sẽ gây ra thảm họa đối với người dân, bởi lúc đó chúng ta sẽ không còn thuốc để diệt vi khuẩn nữa, sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng máu, nhiễm trùng toàn thân, bội nhiễm, mà không cách nào dừng lại được, trên thực tế điều này tương đương với việc nhìn thấy chết mà không thể cứu được bệnh nhân.

Ví dụ, có trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Hải H. 21 tuổi, ở Trương Định, Hà Nội đã bị tử vong rất nhanh vì vi khuẩn kháng thuốc. Ban đầu, chị H. bị sụt sịt, ho và có dấu hiệu sốt. Đến ngày thứ 3 sốt truyền dịch không khỏi, H đi vào Bệnh viện Thanh Nhàn khám.

Trong lúc chờ khám, đột nhiên H. ngất và các bác sĩ đưa vào cấp cứu sau đó chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Sau 1 tuần điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai H. đã trút hơi thở cuối cùng.

Bác sĩ chẩn đoán H. bị nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng vì loại siêu vi khuẩn. Suốt một tuần điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai chi phí điều trị cho H. lên tới 300 triệu đồng bởi vì các chi phí lọc máu hiện đại tốn kém nhưng cuối cùng H. vẫn không qua khỏi vì vi khuẩn cô mắc phải đã kháng thuốc.

Lời khuyên cho bạn

“Kháng kháng sinh” đã trở nên báo động cho cộng đồng nói chung và mỗi cá nhân nói riêng. Để giảm thiểu hậu quả của vấn đề này, chúng ta cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc, và hạn chế dùng nếu như chưa thực sự cần thiết.

  • Khi chưa có đủ kiến thức về chuyên môn sử dụng thuốc, thì việc dùng thuốc kháng sinh cần nghe theo chỉ định của bác sĩ, tư vấn của được sĩ. Không nên tự mua thuốc về uống.
  • Uống thuốc theo phác đồ bác sĩ hướng dẫn, mỗi đợt uống kháng sinh từ 7-10 ngày.
  • Với các triệu chứng nhẹ, như ho, hắt hơi, sổ mũi… hãy sử dụng các loại thảo dược quen thuộc, như tỏi, nước gừng, nước muối để xử lý trước khi nghĩ đến việc uống thuốc.

Các thảo dược tự nhiên có thể sát khuẩn trong trường hợp ho, viêm họng triệu chứng nhẹ, giảm lệ thuộc vào thuốc kháng sinh.

Nhân Hòa (T/h)

Xem thêm

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.