Sự việc bé trai 33 ngày tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) nghi bị mẹ thả vào chậu nước dẫn tới tử vong đang gây xôn xao dư luận. Bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những biểu hiện của người mẹ trẻ này giống với bệnh loạn thần sau sinh hơn là trầm cảm sau sinh.

Những năm gần đây xuất hiện nhiều bệnh nhân bị trầm cảm sau sinh và có xu thế tăng lên. Theo thống kê của BV Từ Dũ, TP. HCM năm 2013, tỉ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, loạn thần sau sinh 0,5%. Phân biệt loạn thần và trầm cảm sau sinh:

Trầm cảm thường muốn chết cùng con – Nỗi đau khổ của người phụ nữ

Phụ nữ trầm cảm sau sinh (Ảnh minh hoạ)

Loạn thần sau sinh thường có hành vi nguy hiểm với chính bản thân mình hoặc người xung quanh, còn trầm cảm sau sinh nếu ở mức độ nặng thường có ý nghĩ tự sát. Trước khi tự sát thường giết người thân hoặc giết người có ảnh hưởng trực tiếp đến mình rồi mới tự sát.

Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh là do trong quá trình mang thai, hormone estrogen và chất dưỡng thai trong cơ thể thai phụ rất cao. Sau khi sinh, chúng giảm nhanh chóng, sinh ra rối loạn tâm thần. Cùng với đó hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi; thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, khó khăn trong chăm sóc bé khiến một số mẹ cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mất ngủ. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.

TS Dương Minh Tâm. (Ảnh: T.Hạnh)

Về trường hợp người mẹ trẻ ở Thạch Thất nhận tội giết con, bác sĩ Tâm nhận định: “Hiện tại, với thông tin báo đài đưa tin, không dám đưa ra chắc chắn chẩn đoán gì cho người này, tuy nhiên, tôi thấy không phù hợp lắm với trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh thường người bệnh thấy mệt mỏi, chán chường, buồn bã, người bệnh cố gắng vượt qua, nhưng nếu không vượt qua được mới tìm đến cái chết, nhưng không chết ngay, trước chết họ vẫn còn thương con, thương chồng, mình mất đi rồi thì con mình bơ vơ, không ai chăm, chồng thiệt thòi, vì thế người bệnh không tự sát. Nếu cố gắng mãi không vượt qua được thì tự sát, trước khi tự sát thì họ thường giết con, giết chồng, người thân. Trong trường hợp này bà mẹ chỉ giết con, còn không làm hại mình thì tôi nghĩ là không phải trầm cảm sau sinh. Thứ nữa là bên cạnh việc giết con, người bệnh lại để lại bằng chứng mang tính hận thù liên quan người khác (bố chồng). Thông tin này càng bổ sung, củng cố cho nhận định trường hợp này không phải là trầm cảm sau sinh”.

Dấu tích để lại hiện trường

“Hổ dữ không ăn thịt con”, người bị loạn thần thường bị xui khiến

Bác sĩ Tâm nhận định, có thể người bệnh có loạn thần sau sinh, họ có hoang tưởng, ảo giác. Hoặc là phản ứng tâm lý nhất thời sau sinh, có tức tối, mâu thuẫn làm bệnh nhân bộc phát và có hành động dại dột, không làm chủ được chính mình.

Loạn thần sau sinh là bệnh lý liên quan trực tiếp đến quá trình thai sản, đây có thể là nguyên nhân trực tiếp. Bệnh nhân bị tổn thương, thay đổi về mặt hormone, nhiễm độc nên ảnh hưởng đến chức năng não bộ, biểu hiện hành vi mất kiểm soát.

Hoặc trường hợp thứ 2 là bệnh nhân tiềm ẩn có triệu chứng loạn thần trước đó nhưng không biểu hiện, trong quá trình thai nghén, sinh đẻ làm biến đổi trong cơ thể người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho một biểu hiện nào đó bộc lộ, bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng loạn thần. Trong đó, có các hành động do triệu chứng loạn thần chi phối.

Bác sĩ Tâm cho hay: “Bệnh này có nhiều mức độ khác nhau. Nhưng cốt lõi phụ thuộc vào triệu chứng loạn thần mắc phải. Ví dụ, người bệnh có hoang tưởng là có ai đó rình rập theo dõi giết mình, thì người bệnh sẽ tìm người đó, tiêu diệt người đó trước, trước khi người đó ra tay, hoặc trốn tránh… Một loại nữa là ảo giác nghe có nhiều tiếng nói, xui khiến mình làm gì đó: giết con, ăn cắp, đốt nhà thì bệnh nhân lại làm theo lời xui khiến đó. Hành động theo ảo giác chi phối. Trong trường hợp này phải thăm khám trực tiếp hay phải theo dõi giám định pháp y mới kết luận chính xác được”.

Nguyên nhân gây nên bệnh lý rối loạn tâm thần thời kỳ sau sinh của người mẹ có thể liên quan đến tiền sử gia đình, có mẹ hoặc người thân thuộc bị mắc bệnh tâm thần và các yếu tố cá nhân có tác động ảnh hưởng như người mẹ chưa trưởng thành về mặt nhân cách, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý để có con và sinh con; cũng có thể có sự thay đổi về nội tiết tố, bị tai biến thương tổn hoặc các biến chứng sản khoa…

Cần lưu ý đến các trường hợp loạn thần sau sinh để phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí điều trị phù hợp vì bệnh thường xảy ra sớm, đột ngột ngay sau khi sinh hoặc vài ngày sau khi sinh. Những trường hợp rối loạn tâm thần xuất hiện muộn sau sinh cũng xảy ra nặng và có biểu hiện cấp tính với nhiều dạng bệnh lý khác nhau cần chú ý.

Rối loạn tâm thần: Cơ thể không có bệnh độc nhưng đang âm thầm giết hàng vạn người mỗi năm

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm số người tự sát do trầm cảm từ 36.000-40.000 người. Thông tin sẽ được các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia chia sẻ tại hội thảo “Vì ngày sức khoẻ thế giới”.

Cho dù người mẹ trẻ trong vụ án ở Hà Tây này có mắc trầm cảm sau sinh, loạn thần hay bất cứ lý do nào khác, thì đây cũng là dịp rung chuông báo động cho một thực trạng xã hội. Điều kiện kinh tế và vật chất được cải thiện tuy nhiên mối quan hệ giữa người với người cũng bị tác động ít nhiều. Khi mải mê theo đuổi lợi ích vật chất, mải mê với cuộc sống trên mạng xã hội… phải chăng chúng ta đã xem nhẹ việc bồi đắp gìn giữ giá trị tinh thần, biết quan tâm thông cảm, chia sẻ lẫn nhau? Người phụ nữ kia, đứa con đã mất và gia đình… phải chăng tất cả đều là nạn nhân?

Hoàng Kỳ t/h

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.