Siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh đã tới châu Âu, và các chuyên gia lo lắng rằng nó sẽ là tác nhân gây nên một dịch bệnh trên toàn thế giới …

Báo Đại Kỷ Nguyên đã đưa tin về sự xuất hiện của chủng vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh, cụ thể là do một đột biến gien có tên MCR-1 xuất hiện trên vi khuẩn E. coli tại Trung Quốc. Loại đột biến này giúp vi khuẩn có thể kháng mọi loại thuốc kháng sinh, kể cả những kháng sinh thuộc dạng “cứu cánh cuối cùng” như Colistin.

siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh
Hình ảnh màu giả của siêu vi khuẩn kháng thuốc E.Coli. (Ảnh: Shutterstock)

Đáng sợ hơn là loại vi khuẩn này đã được tìm thấy trong 15% các mẫu thịt tại Trung Quốc, và 1/5 số gia súc được kiểm tra ngẫu nhiên. Điều đó có nghĩa là loại vi khuẩn này đã trở nên vô cùng phổ biến. Tất nhiên, nó có thể lây lan qua người, và cho tới hiện tại, đã có 16 trường hợp bệnh nhân được ghi nhận có triệu chứng kháng Colistin.

Và điều các nhà khoa học lo ngại đã xảy ra – những siêu vi khuẩn nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới. Vừa qua, một bệnh nhân ở Đan Mạch bị chuẩn đoán nhiễm Salmonella, một loại vi khuẩn gây ra các bệnh như thương hàn, phó thương hàn và ngộ độc thực phẩm. Điều quan trọng là vi khuẩn này cũng đã có được khả năng kháng Colistin.

Các nhà khoa học tại Đại học George Washington, cơ quan khoa học Statens Serum và tổ chức thực phẩm quốc gia Đan Mạch công bố rằng, họ tìm thấy những vi khuẩn tương tự trong 5 mẫu gà được nhập khẩu từ Trung Quốc qua Đức vào Đan Mạch.

siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh
Salmonella (Ảnh: Rocky Mountain Laboratories, NIAID, NIH, Wikipedia)

Người đại diện của trung tâm nghiên cứu kháng thuốc kháng sinh, tại trường Đại học George Washington chia sẻ với tờ National Geographic: “MCR-1, loại gen mới được tìm thấy này, là một đoạn DNA có khả năng di chuyển giữa các vi khuẩn, và dẫn đến tình trạng kháng thuốc hàng loạt. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng những đoạn gen tương tự sẽ lan tỏa ra khắp thế giới nhanh chóng, xâm nhập vào con người, động vật và thức ăn.

Nhà nghiên cứu người Đan Mạch tiếp tục cho biết: “MCR-1 đã được tìm thấy trong một bệnh nhân bị nhiễm trùng máu vào năm 2015, và 5 mẫu thức ăn được nhập khẩu trong khoảng từ 2012 tới 2014. Tất cả các chủng vi khuẩn này đều thuộc loại đa kháng thuốc, vì thế vấn đề điều trị sẽ ngày càng trở nên nan giải.

Trước đó, nhà khoa học Trung Quốc tìm ra MCR-1 đã cảnh báo về hiểm họa của các chủng vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh, nhưng thế giới đã không lường được khả năng lây lan âm thầm và nhanh chóng đến như vậy của chủng vi khuẩn này. Theo đó, mọi vi khuẩn chứa MCR-1 đều sẽ trở nên đáng sợ, cho dù nó là vi khuẩn lành nhất, vì MCR-1 sẽ nhanh chóng truyền từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác, sang động vật, và sang con người.

siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh
(Ảnh: medhattan.com)

Giáo sư Frank Moller Aarestrup, một nhà vi sinh học tại Đan Mạch nói: “Đây là điều mà tôi đã lo sợ, và vẫn hy vọng rằng mình không phải chứng kiến.” Theo ông, siêu vi khuẩn này có thể đã âm thầm lan tới nhiều nước châu Âu khác.

Một trong những nguyên nhân tạo ra loại siêu vi khuẩn này là việc các nông trại ở Trung Quốc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Đặc biệt là họ đã cho lợn và gà ăn Colistin nhằm kích thích tăng trọng và phòng ngừa bệnh tật. Thậm chí ngay cả ở Mỹ, khoảng 70% những loại thuốc kháng sinh được xem là “quan trọng” đối với việc bảo vệ sức khỏe con người cũng được sử dụng trong chăn nuôi. Chính vì thế, tình trạng kháng thuốc tất nhiên sẽ xảy ra, chỉ là vấn đề sớm hay muộn.

Các nhà khoa học tại Đại học George Washington bày tỏ lo ngại rằng, con người sẽ nhanh chóng mất đi sự bảo vệ từ những loại kháng sinh “cứu cánh cuối cùng“. Lấy ví dụ như Carbapenems, một loại kháng sinh cứu cánh khác, hiện vẫn chưa được cho phép dùng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, các nước cũng chưa đưa ra điều luật nghiêm khắc để ngăn chặn việc sử dụng nó. Theo giới khoa học, lãnh đạo các nước trên thế giới phải ngay lập tức thi hành những điều luật như vậy để bảo vệ các thế hệ tương lai.

Theo Natural Society
Quang Minh

Xem thêm: