Bạn nhận thấy khắp nơi quảng cáo tác dụng của thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất, thế nhưng liệu chúng có nên được dùng cho tất cả mọi người nói chung? Ai cần bổ sung vitamin và khoáng để nâng cao sức khỏe và dự phòng bệnh tật?

Trong các cuộc thăm dò trên toàn nước Mỹ mới đây, có 52% số người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho hay họ sử dụng ít nhất một loại thực phẩm chức năng, trong đó Vitamin và khoáng chất là phổ biến nhất.

Ngày càng có nhiều người lo lắng về sức khỏe, khiến ngành công nghiệp thực phẩm chức năng tăng trưởng liên tục. Ngay tại Hoa Kỳ, nó mang lại 30 tỷ đô hàng năm. Nhiều quảng cáo khiến người tiêu dùng tỏ ra bối rối hoặc quá ỷ nại vào những sản phẩm này mà quên đi cốt lõi vấn đề làm nên sức khỏe.

Ảnh: everydayhealth.com

Nhằm giúp các bác sĩ sáng tỏ quan điểm về bổ sung vitamin và khoáng chất, mới đây tạp chí y khoa có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới – JAMA, đã cho đăng bài viết với tiêu đề “Những điều bác sĩ lâm sàng cần biết về thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất”, do Tiến sĩ Manson và Bassuk của Đại học Y và Đại học Y Cộng đồng Harvard viết, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng.

“Vi chất dinh dưỡng trong thức ăn được cơ thể hấp thu đặc biệt tốt hơn và ít gây tác dụng không mong muốn hơn”

Đó là điều các tác giả bài viết trên tạp chí JAMA muốn các bác sĩ lâm sàng nhấn mạnh với người bệnh. Theo đó “thực phẩm chức năng không phải là sự thay thế cho một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng, và trong hầu hết các trường hợp, hầu như không mang lại bất cứ lợi ích nào vượt trội hơn so với chế độ ăn ấy”

Thực ra ngay từ thời sơ khai của y học hiện đại cách đây 2500 năm, ông tổ ngành Y – Hippocrates đã có câu nói nổi tiếng: “Hãy để cho thực phẩm có chức năng của thuốc và thuốc chính là thực phẩm của bạn”. Cơ thể người là do thực phẩm ăn vào mà sinh trưởng, chỉ cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, mọi chức năng khác ắt tự điều chỉnh theo nhu cầu.

Ảnh: openservice.fr

Mặt khác, những thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất chỉ chứa một vài vi chất riêng lẻ, trong khi đó những đồ ăn thức uống hàng ngày mới có nhiều vi chất, các chất dinh dưỡng với tỷ lệ thích hợp cho cơ thể người.“Các nghiên cứu cho thấy các chỉ số sức khỏe tích cực có mối liên hệ chặt chẽ hơn với các thành phần chế độ ăn và loại thức ăn cụ thể hơn là với lượng vi chất hoặc chất dinh dưỡng riêng rẽ” theo các tác giả.

Các tác giả cũng cho rằng, một chế độ ăn lành mạnh sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng với tỷ lệ sinh học tối ưu, khi so với những chất riêng rẽ có nồng độ cao như trong thực phẩm chức năng.

Trên thực tế, hầu hết các thử nghiệm lâm sàng về thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất đều có lợi ích rõ ràng trong phòng ngừa bệnh mạn tính, trừ những bệnh mạn tính do thiếu hụt các chất này. “Một số thử nghiệm còn gợi ý rằng việc bổ sung vi chất dinh dưỡng với số lượng vượt quá khẩu phần dinh dưỡng khuyến nghị, ví dụ beta caroten, acid folic, vitamin E hoặc selen liều cao có thể gây ra các ảnh hưởng bất lợi, trong đó có tăng tỉ lệ tử vong, ung thư và tai biến xuất huyết mạch não”, bài báo viết.

Như vậy, bổ sung những vi chất này không được khuyến cáo đối với mọi người nói chung, nhưng có thể khuyến cáo cho một số nhóm người đặc biệt có nguy cơ cao mà không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng thông qua chế độ ăn, như phụ nữ mang thai, phụ nữ mãn kinh, trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ v.v. Tuy nhiên để trả lời câu hỏi bổ sung chất gì và hàm lượng ra sao, thời gian bao lâu, bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi bắt đầu bổ sung.

Mẹ và bé là những đối tượng cần bổ sung các vi chất nhiều hơn thông qua ccas thực phẩm chức năng. (Ảnh: kellymom.com)

Cuối cùng, các tác giả lưu ý Bác sĩ và bệnh nhân cũng cần biết rằng, ngay cả Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng không có quyền rà soát an toàn và hiệu quả của thực phẩm chức năng trước khi lưu hành. Bởi vậy các bác sĩ nên “khuyên bệnh nhân cân nhắc lựa chọn thực phẩm bổ sung được chứng nhận bởi các nhà đánh giá độc lập để đảm bảo chỉ chứa các thành phần hoạt chất chứ không phải vi khuẩn, kim loại nặng hay các chất độc khác”.

Đại Hải