Mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường dễ làm bạn cảm lạnh (trúng mưa, trúng gió). Triệu chứng biểu hiện thường là sốt ớn lạnh, đau nhức toàn thân, ho, sổ mũi, sợ gió, sợ nước. Nếu đi khám theo Tây y, bạn sẽ được kê một loạt thuốc kháng sinh, hạ sốt, và giảm viêm, giảm tiết dịch. Những loại thuốc này có thể có nhiều tác dụng phụ và nếu hiểu theo Đông y thì cũng là sai nguyên tắc.

Theo Đông y, khi cơ thể bị nhiễm khí hàn, sẽ có hiện tượng bế biểu do cảm phong hàn, các lỗ chân lông se khít lại để tự động tăng thân nhiệt lên, một phần ngăn khí hàn xâm nhập, một phần lấy dương thắng âm, tự trừ cảm cho mình. Cổ họng và mũi phù nề khiến bệnh nhân bị ho, nghẹt mũi là để ngăn chặn khí lạnh sẽ đi vào cơ thể qua lối này. Ngoài ra khi có hiện tượng sốt, các vi khuẩn sẽ giảm hoạt động, bạch cầu và quá trình đề kháng của cơ thể được tạo điều kiện hoạt động tối đa, giúp chống lại vi khuẩn. Việc uống thuốc hạ sốt hay thuốc chống sổ mũi, giảm viêm chẳng khác nào tự triệt hạ phương thức đề kháng của cơ thể, khiến cơ thể nhiễm bệnh nhiều hơn.

giai_cam_400_276

Tuy nhiên, với bệnh nhân khoẻ mạnh có sức đề kháng tốt, mới có thể tự mình chống bệnh. Để bệnh nhanh khỏi, chúng ta có thể áp dụng cách trị bệnh của người xưa. Đó là xông hơi với lá thuốc. Khi xông hơi, các lỗ chân lông mở ra, khí đạo được lưu thông, khí dương được hấp thu, trục khí độc ra ngoài. Kèm theo đó là các thảo dược có tác dụng kháng khuẩn, hoặc tính dương giúp cơ thể giải độc, trừ hàn. Lưu ý xông hơi chỉ áp dụng vào 1, 2 ngày đầu nhiễm bệnh, sau đó khí hàn ngấm sâu vào cơ thể cần phương thuốc khác.

Sau đây là một số loại thảo dược dùng xông hơi

– Lá có tác dụng hạ nhiệt như: tre, duối, chùm ruột…

– Lá có tác dụng kháng khuẩn: hành, lá hoặc củ tỏi, đu đủ, soài, ngải cứu…

– Lá có chứa tinh dầu: ngũ trảo, é tía, sả, chanh, bưởi, khuynh diệp (bạch đàn), bạc hà, húng, trầu, lá hoặc củ gừng…

Tuỳ theo điều kiện từng nơi, không nhất thiết phải có đủ các loại lá theo bài thuốc; chỉ với vài loại như: lá tre, lá bưởi (hoặc chanh), lá đu đủ, sả, trầu, ngải cứu cùng củ gừng tươi là có thể có được một nồi xông. Những loại lá có tinh dầu giúp thông mũi, mát họng, làm khuyếch đại hoạt tính của các loại thảo dược khác, giúp hơi thuốc được bay hơi nhanh và cơ thể được hấp thu hơi thuốc nhanh hơn.

Nấu lá xông như thế nào?

Đổ nước 2/3 nồi, cho lá có tác dụng hạ nhiệt vào trước. Lúc nước gần sôi thì cho lá có tác dụng kháng khuẩn vào và cuối cùng là bỏ lá tinh dầu vào. Đừng cho tất cả lá vào nấu cùng một lượt, tinh dầu rất dễ bay hơi và như vậy sẽ làm giảm tác dụng điều trị. Cần canh lửa vừa phải, nắp nồi đậy kín, khi nước sôi trở lại 2 – 3 phút thì bắc xuống và xông ngay.

nguyen-tac-toi-ky-khi-xong-hoi-giai-cam

Cách xông:

Phòng xông cần đủ kín. Khi thấy nồi nước xông chuẩn bị sôi thì cho người bệnh cởi bỏ quần áo ngoài. Người bệnh ngồi trên một mặt phẳng, tư thế xếp bằng hoặc xếp chân sang một bên, ngẩng cao đầu, nghiêng sang một bên để tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt, đặt nồi nước xông trước mặt, trùm chăn kín, rồi từ từ mở hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được.

Hít thở mạnh và sâu để hương tinh dầu vào sâu trong phổi. Thời gian xông hơi khoảng 10 – 15 phút. Xong, mở chăn ra, lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch. Trước khi xông, có thể gạn lấy 1 chén nước trong của nồi nước xông (khoảng 50ml) để cho người bệnh uống sau đó. Pha thêm nước ấm vào nồi nước xông sao cho đạt 37 – 380 C rồi tắm trong phòng kín gió, lau khô cơ thể, mặc quần áo sạch. Đối với bệnh nhân già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể… cần phải có người phục vụ ngồi phía sau giữ vai tránh cho người bệnh khỏi ngã.

Không được áp dụng liệu pháp này cho người ra nhiều mồ hôi, mất nước, mất máu nhiều, chóng mặt, già yếu lú lẫn, mắc bệnh ngoài da, người bệnh nặng mới ốm dậy, bị bệnh huyết áp cao, tim mạch, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 12 tuổi cũng không được xông.

Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn… cần ngừng ngay, trường hợp bị sốc nặng phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Nếu bệnh nhân bị sốt cao, co giật do nhiễm khuẩn (như viêm họng, ho, chấn thương, nhiễm trùng…) thì không nên tùy tiện xông hơi mà phải đi khám bệnh ở cơ sở y tế.

Thư Hùng tổng hợp

Xem thêm: Xông hơi: cách chữa bệnh và giải độc hiệu quả ngay tại nhà