Trong thời đại vi khuẩn kháng thuốc mạnh mẽ đang đẩy kháng sinh đến vực thẳm thì việc tìm ra những kháng sinh mới là điều cần thiết hơn bao giờ hết. May mắn thay trên con đường lâu dài và đầy trắc trở ấy, các nhà khoa học đã bắt gặp một loại kháng sinh mới ở ngay trên … mũi chúng ta.

Trên thực tế, da và niêm mạch người luôn có rất rất nhiều vi khuẩn cư ngụ trên đó. Ở người bình thường, khỏe mạnh thì các chủng vi khuẩn này có mối quan hệ tương sinh tương khắc với nhau và với môi trường xung quanh, tạo nên một sự cân bằng nhất định, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của con người.

Điều khá bất ngờ là chất kháng sinh này được tiết ra từ một chủng vi khuẩn cư ngụ ở mũi và có thể diệt một chủng vi khuẩn khác khiến hàng nghìn người thiệt mạng mỗi năm.

Andrew Read, một nhà sinh vật học tiến hóa thuộc trường Đại Học Pennsylvania cho rằng nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng ta có thể tìm trong tự nhiên cách giải quyết các vấn đề mà tự nhiên mang tới cho chúng ta.

Dĩ nhiên kháng sinh mới rất được chào đón,vì thế giới đang đứng trước viễn cảnh trở về thời kỳ tiền kháng sinh. Nhưng các nhà khoa học phát hiện ra điều này cho rằng nghiên cứu cuộc chiến giữa các loài vi khuẩn diễn ra trên cơ thể có thể tìm ra nhiều thuốc hơn nữa. Họ cho rằng đây là quan niệm mới trong công cuộc tìm kiếm thuốc kháng sinh.

Nhờ đâu mà chúng ta tìm thấy kháng sinh trên mũi người?

Điểm xuất phát có lẽ bắt đầu từ một vi khuẩn thường vô hại, nhưng đôi khi lại cực kỳ nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng con người: tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)

Chủng vi khuẩn sống ở mũi và trên da người này có thể tiến vào các vết thương và gây nhiễm trùng huyết-một bệnh rất nặng. Đặc biệt dạng kháng thuốc của tụ cầu vàng có tên gọi là MRSA là nguyên nhân của 10,000 ca tử vong mỗi năm chỉ tính riêng tại Mỹ.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học tại trường Đại Học Tübingen tò mò là tại sao nhìn chung cứ 3 người thì chỉ có 1 người mang tụ cầu vàng trên mũi? Tại sao có người có, có người không có?

Phân tích chất nhầy ở mũi người, họ phát hiện thấy mũi là môi trường rất không lý tưởng đối với vi khuẩn. “Nếu tôi là vi khuẩn, thì tôi sẽ không đi vào mũi” Peschel, một thành viên trong nhóm nghiên cứu nói.

Theo các nhà khoc học, chính do môi trường khắc nghiệt, nên các vi khuẩn phải cạnh tranh với nhau vì nguồn sống. Đi theo hướng đó, họ phá hiện ra một chủng vi khuẩn tên là S. lugdunensis hóa ra lại có thể ức chế rất tốt loài tụ cầu vàng. Họ thấy S. lugdunensis sản xuất ra một hợp chất kháng sinh và đã tổng hợp được trong phòng thí nghiệm. Chất kháng sinh này có tên gọi là lugdunin có thể ức chế tụ cầu vàng trên đĩa cấy vi khuẩn và làm giảm hay thậm chí nhổ tận gốc loài vi khuẩn này khi dùng trên da chuột. Lugdunin cũng hiệu quả trong việc chống lại vi khuẩn kháng thuốc đã nói trên.

Đặc biệt, các nhà khoa học còn thấy rắng tụ cầu vàng không kháng lại thuốc kháng sinh này, dù đã tiếp xúc với lugdunin nồng độ thấp trong 30 ngày.

Phân tích quần thể sinh vật tại mũi 187 bệnh nhân, họ thấy 60 bệnh nhân có chứa tụ cầu vàng 17 bệnh nhân có S. lugdunensis trong khi đó chỉ duy nhất 1 bệnh nhân chứa cả hai loại vi khuẩn này. Thực tế này là một minh chứng cho sức mạnh của S. lugdunensis.

Không chỉ dừng ở đó, phát hiện còn mở ra một chân trời mới cho công cuộc tìm kiếm kháng sinh và chống lại vi khuẩn. Bằng việc nghiên cứu mối quan hệ tương khắc hay cuộc chiến tranh giữa các loài vi khuẩn, chúng ta có thể tìm ra những vũ khí hữu hiệu để bổ sung kịp thời cho cuộc chiến giữa kháng sinh và vi khuẩn đang ngày càng không cân sức.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng bày tỏ mối lo ngại về phương hướng này. Mối quan hệ tương sinh và tương khắc giữa các vi khuẩn đã tạo nên sự cân bằng rất tinh tế từ hàng triệu năm nay và ở khắp nơi trên cơ thể người. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta can thiệp vào các mối quan hệ này một cách bừa bãi?

Đại Hải

Theo sciencemag

Xem thêm: