Mắc hội chứng hiếm gặp, cô Myrtle Corbin (Mỹ) có hai đôi chân và hai bộ phận sinh dục riêng biệt, mang biệt danh “người đàn bà 4 chân”. 

Cuối thế kỷ 19, Myrtle Corbin là chủ đề được người ta bàn tán. Do hội chứng dipygus, Myrtle sở hữu 2 phần xương chậu riêng biệt cùng 2 đôi chân trong đó một đôi chân thuộc về bà còn đôi chân kia nhỏ hơn là của người chị em song sinh.

Theo The Human Marvel, Myrtle sinh ngày 12/5/1868 tại Tennessee (Mỹ). Bố cô bé lúc đó mới 25 tuổi còn người mẹ đã 34. Cả hai trông rất giống nhau với “tóc đỏ, mắt xanh và da trắng” đến mức bệnh viện phải kiểm tra để chắc chắn hai người không cùng quan hệ huyết thống để loại trừ nguyên nhân do hôn nhân cận huyết gây ra. Khi cô con gái của họ chào đời, các bác sĩ hết sức ngạc nhiên khi Myrtle với cơ thể dị dạng lại khỏe mạnh trong khi đáng ra cô bé cùng sản phụ có thể sẽ tử vong.

Cô gái có 4 chân (Ảnh: Daily Llama)

Căn bệnh vô cùng hiếm gặp khiến phần cơ thể người chị em sinh đôi của Myrtle chỉ phát triển đầy đủ từ thắt lưng trở xuống và bị biến dạng, mỗi bàn chân chỉ có 3 ngón. Myrtle điều khiển được đôi chân nhỏ phía trong nhưng không thể bước đi. Giới khoa học đưa ra hàng loạt chẩn đoán cho tình trạng bé gái rồi kết luận em bị bệnh dipygus.

13 tuổi, Myrtle trở thành vật triển lãm được nhiều ông chủ gánh xiếc thèm muốn. Chăm chút ăn mặc và trang trí hai đôi chân bằng những chiếc vớ thời thượng, Myrtle xuất hiện với bề ngoài xinh đẹp kỳ quái song thu hút khó cưỡng. Cô gái dễ dàng kiếm được 450 USD mỗi tuần, thời ấy.

Bề ngoài xinh đẹp cùng thể trạng đặc biệt khiến Myrtle trở nên nổi tiếng. Ảnh: Blackbird

Tháng 6/1886, ở tuổi 19, cô gái 4 chân kết hôn cùng bác sĩ James Clinton Bicknell rồi rời bỏ ngành giải trí. Năm 1887, Myrtle đến bác sĩ Lewis Whaley để khám do bị đau bụng trái, sốt, đau đầu, mất cảm giác thèm ăn, nôn và không hành kinh suốt 2 tháng. Vị bác sĩ phát hiện nữ bệnh nhân có 2 bộ phận sinh dục và đang mang bầu ở tử cung bên trái. Ông tiếp tục nghiên cứu về Myrtle suốt những năm cuối thập kỷ 1880, đặt cho cô biệt danh “cô B” (vì có 2 người trong thể xác) rồi đăng tải các ghi chép lên tạp chí khoa học.

“Cô ấy cao khoảng 5 feet (1,52 m), làn da trắng, đôi mắt xanh, mái tóc quăn và rất thông minh. Một người lạ mới gặp sẽ chỉ nghĩ hông cô ấy to bất thường. Tôi đã biết B từ khi còn nhỏ với tên gọi ‘cô bé bốn chân’ nhưng chưa bao giờ nhận ra các cơ quan sinh dục bên ngoài và bên trong phát triển thật hoàn hảo cho đến ngày cô ấy mang thai”, bác sĩ Whaley mô tả trên tờ British Medical Journal năm 1889.

Gia đình nhỏ của cô Myrtle

Thai kỳ khiến Myrtle đổ bệnh nặng. Tham khảo ý kiến đồng nghiệp, Whaley quyết định tư vấn cô bỏ bào thai đã 3-4 tuần tuổi. May mắn, người phụ nữ nhanh chóng hồi phục và cuối cùng cũng sinh được 5 đứa con. Người ta đồn rằng những đứa trẻ chào đời từ các bộ phận khác nhau. Dù chưa thể kiểm chứng tính xác thực, các nhà khoa học nhận định điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi cả hai âm đạo của Myrtle đều đầy đủ chức năng thông thường.

Cuộc sống khó khăn buộc Myrtle phải quay lại gánh xiếc để kiếm tiền sau 20 năm rời bỏ. Năm 1928, cô bị mắc erysipilas, căn bệnh nhiễm trùng do liên cầu khuẩn ở chân phải. Một liều kháng sinh sẽ nhanh chóng giải quyết tình trạng này nhưng y bác sĩ thời đó đành bó tay vì chưa có kháng sinh. Chưa đầy một tuần bị ốm, ngày 6/5/1928, Myrtle Corbin qua đời. Từ đó đến nay y học vẫn chưa giải thích được tường tận trường hợp của Myrtle.

Hoàng Kỳ (T/h)

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.