Tình trạng nghiện ma túy tổng hợp dạng amphetamine (ATS) đang gia tăng nhưng thuốc cai nghiện thay thế methadone không có tác dụng với loại ma túy này. Vậy đâu là cứu cánh cho người nghiện ma túy tổng hợp? 

Trên thế giới đã có rất nhiều phương pháp chữa trị như: Điều trị bằng thuốc đối kháng với ma túy, “Lấy độc trị độc“, dùng chất không gây nghiện để cắt cơn nghiện, cai “khan”, sử dụng các bài thuốc Tây y, Đông y, trị liệu cộng đồng, phẫu thuật sọ não… Tuy nhiên, hầu hết những phương pháp chỉ có tác dụng cai nghiện tạm thời, người nghiện vẫn có cảm giác rất nhớ “ma túy”.

Tình trạng nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng nhưng thuốc cai nghiện thay thế methadone không có tác dụng với loại ma túy này (Ảnh: qua baomoi.com)

Khó khăn điều trị ma túy tổng hợp

BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết nếu trước đây bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng ma túy chủ yếu là heroin thì hiện số này đang giảm dần và chuyển sang ma túy tổng hợp dạng ATS. Như trường hợp một nữ bệnh nhân 9X (ngụ TP Hà Nội) nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, ảo giác, suy hô hấp nặng và sốt cao. Trước đó, cô này nghiện heroin nhưng được bạn tặng liều ma túy tổng hợp trong bữa tiệc sinh nhật của mình. Sau khi dùng thử, cô gái vật vã, tình trạng xấu đi và được đưa đi cấp cứu.

Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng các báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ thanh niên trẻ nghiện chất ATS tăng ở Hà Nội, TP HCM và một số thành phố lớn. “Nếu các bệnh nhân dùng heroin khi ngộ độc thường ở trạng thái hôn mê và các bác sĩ cũng dễ dàng xử lý hơn thì với ATS, nhân viên y tế rất vất vả trong việc khống chế bệnh nhân để điều trị. Vì đối tượng “đập đá” khi đã ở trạng thái “ngáo” đều bất hợp tác. Nhẹ thì chửi bới, vùng vằng, còn nặng thì kích động, đập phá, la hét, cắn xé hoặc tấn công bất cứ ai động đến mình” – BS Nguyên nói.

Người sử dụng ma túy tổng hợp gây án trong tình trạng “no thuốc” hoang tưởng, ảo giác, giết người thường không có mục đích (Ảnh: qua baomoi.com)

Từng điều trị nhiều bệnh nhân nghiện ma túy tổng hợp, BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia – BV Bạch Mai, cho biết người nghiện heroin thường gây án lúc đói thuốc. Người sử dụng ma túy tổng hợp gây án trong tình trạng “no thuốc” hoang tưởng, ảo giác, giết người thường không có mục đích. “Một số dân chơi biện minh rằng sử dụng ATS sẽ không gây nghiện như heroin nhưng thực tế chất này có thể khiến thần kinh bị tê liệt và không hồi phục” – BS Dũng cảnh báo.

Theo các bác sĩ tâm thần, việc sử dụng heroin và các dạng thuốc phiện chỉ gây hưng phấn trong vài giờ nhưng ma túy tổng hợp tạo hưng cảm tới 3-4 ngày. Khi đó, người sử dụng sống trong thế giới hoang tưởng, có xu hướng thích quan hệ tình dục kiểu “bầy đàn”. Người nghiện ATS thường nghe có “tiếng nói” trong đầu xui khiến nên có hành vi tấn công, sát thương người khác và gây ra án mạng nghiêm trọng. Thống kê cho thấy nhóm ATS có khoảng 200 loại thuốc và ngày càng có nhiều thuốc mới trong khi đó chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp cai nghiện chủ yếu là liệu pháp điều trị tâm lý, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng.

Ma túy kích hoạt gen mới để khống chế người nghiện

GS Chung Á, thành viên Tổ Chuyên gia Ủy ban Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và ma túy, nói các loại ma túy trước đây (heroin, thuốc phiện…) có nhiều biện pháp can thiệp tương đối hiệu quả như điều trị cai nghiện thay thế bằng methadone, nhưng tình trạng lệ thuộc vào ma túy tổng hợp thì y học vẫn đang “bó tay”.

Methadone có thể hỗ trợ người nghiện heroin nhưng đối với ma túy tổng hợp thì y học vẫn đang “bó tay” (Ảnh: qua suckhoedoisong.vn)

Nghiên cứu phát hiện có một chủng protein tên delta-fosB nằm trong não, gây ra cơn khát thuốc cho nạn nhân. Protein này vốn không có trong não bộ trước khi người nghiện bắt đầu sử dụng chất gây nghiện mà chỉ xuất hiện sau một thời gian nhất định.

Khi được tạo ra, delta-fosB sẽ kiểm soát các gen trong khu vực não đặc biệt, đảm nhiệm chức năng điều khiển hành động của người nghiện và tạo cảm giác thoải mái sau khi dùng chất gây nghiện. Ngoài ra, delta-fosB còn tác động lên một số gen khác nhằm tạo ra glutamat – chất truyền dẫn thông tin trong tế bào não, đặc biệt là tế bào nằm trong khu vực não đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với chất kích thích.

Như vậy, việc sử dụng chất kích thích khiến vỏ não sản sinh ra một hợp chất hóa học và protein mới để mã hóa thông tin và lưu trữ nó trong khu vực mới thành lập trong não. Do đó, sự thèm khát chất kích thích của người nghiện có thể nói là rất ghê gớm và lâu dài. Cho dù người bệnh có thể được chạy chữa rất dày công và tốn kém, nhưng bản năng thèm thuốc lại có thể trỗi dậy ngay lập tức khi nhìn thấy thuốc vì thông tin đã mã hóa trong não chưa hề được xóa bỏ. Người bệnh mặc dù thân thể tiều tụy nhưng vẫn phải tìm đến thuốc bất chấp mọi giá.

Đâu là giải pháp cứu cánh?

Cho đến thời điểm hiện tại, y học cơ bản chưa tìm được phương pháp điều trị cho những trường hợp nghiện “đá”. Thực tế một số nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp phẫu thuật, khoan cắt bỏ vĩnh viễn vùng não kiểm soát cơn nghiện này. Hiển nhiên là phương pháp này không được sử dụng vì gây nguy hiểm cho người bệnh.

Tuy vậy, nhiều người đã may mắn thoát khỏi vong kiềm tỏa của ma túy nói chung và amphetamin nói riêng nhờ một phương pháp rất cổ xưa, đơn giản nhưng hiệu quả bất ngờ.

Một trong những ví dụ điển hình mà Đại Kỷ Nguyên đã có dịp phỏng vấn là anh Phạm Đức Duy, 29 tuổi, vốn là một người chơi bời có tiếng ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Số điện thoại: 0985.436.888)

Đá – là một dạng rắn trong suốt như thủy tinh nhỏ ti li được đốt trong lò thủy tinh nhỏ chuyên dụng cho “dân hít đá”. Ảnh: Internet

Anh Duy chia sẻ: “Tôi nghiền “đá” nó là một dạng rắn trong suốt như thủy tinh nhỏ ti li. Tôi đốt nó trong một cái lò thủy tinh nhỏ chuyên dụng cho dân hít “đá”, khi nó bốc khói thì tôi bắt đầu hít. Loại “đá” này không bị sốc thuốc như chích, nhưng nó gây ảo giác rất mạnh. Cảm giác phê “đá” luôn hoang tưởng, nó làm cho thần kinh mụ mị, luôn mê mờ, rất khó tả… Dù có không ăn trong mấy ngày cũng không bị sao. Khi giã thuốc thì mới thấy mệt, thấy rã rời… thân thể vô lực như rơi vào vực thẳm…“.

Hơn chục năm trước tôi bị viêm gan B viêm gan C, giờ thân thể tiều tụy bệnh bắt đầu khởi phát. Tôi bị mất ngủ, ăn không còn cảm giác, tôi gầy chỉ còn da bọc xương rất mệt mỏi. Mỗi tháng tôi phải sử dụng hết hơn mười triệu tiền thuốc chuyển từ Hà Nội về vừa uống vừa tiêm. Tôi hoàn toàn kiệt sức và tuyệt vọng, nghĩ rằng đời người chỉ là một thoáng mây trôi, mong manh, bạc bẽo, phù du…”

Bản thân anh Duy đã từng tự cai nghiện rất nhiều lần nhưng đều thất bại. Có lẽ ai đã từng cai nghiện đều sẽ hiểu, người nào đã từng giúp những kẻ cai nghiện cũng sẽ biết… Để một con nghiện nặng cai được có lẽ còn khó hơn lên trời. Vì anh Duy là con một nên cha mẹ cũng dốc hết tâm sức để cứu lấy đứa con, đã làm đủ mọi cách mà cũng không tách được anh ra khỏi mê hoặc của làn khói trắng…

Tôi rất hạnh phúc vì đã thoát khỏi sự ràng buộc mãnh liệt của ma túy. Tôi tăng cân trở lại, không gì có thể kỳ diệu hơn thế… (Ảnh do anh Duy cung cấp)

Hạnh phúc chỉ đến khi anh may mắn theo một phương pháp tập luyện vừa giúp tăng cường ý chí cho chủ ý thức kết hợp với rèn luyện thanh lọc cơ thể. Chỉ trong thời gian ngắn, không chỉ cơn nghiện đã bay mất, mà hàng loạt bệnh tật đeo bám bao nhiêu năm cũng bị xóa sổ theo.

Cảm thấy quá may mắn, anh Duy đã mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình, mong giúp ích được cho những ai còn đang lạc lối trong cơn nghiện.

Suýt chết ở tuổi 28 vì nghiện ‘đá, cỏ, ke, lắc’, người thanh niên đã thay đổi ngoạn mục như thế nào?

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.