Tai vốn là bộ phận rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Vì vậy, trong trường hợp bị côn trùng lọt vào, bạn cần ngay lập tức xử trí đúng cách để tránh những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ em. 

Côn trùng chui vào tai thường xảy ra khi bạn đang ngủ, cả ngủ trên giường hay nằm úp tai xuống mặt đất. Triệu chứng thường gặp là đột ngột đau dữ dội một bên tai (trước đó không có bệnh gì liên quan đến tai). Có thể có những cơn đau dữ dội xen kẽ với khoảng thời gian âm ỉ. Nguyên nhân là côn trùng chích đốt hoặc chân có gai ngạnh đâm vào tai. Nhiều người cảm giác như có con gì bò trong tai, ngứa ngáy. Trẻ nhỏ đang ngủ khóc thét lên.

Cấu tạo bên trong của tai (Ảnh qua: Yduoc.net)

Một số người tai bị chảy nước hoặc máu do côn trùng gây trầy xước, rách da ống tai, rách màng nhĩ, nhất là côn trùng sống to có càng hay ngạnh sắc bén như dế, gián, cào cào. Những trường hợp nhẹ hoặc dị vật nhỏ như kiến, ruồi muỗi, thiêu thân, ve chó… triệu chứng có thể không ào ạt bằng những dị vật to hay có gai ngạnh hoặc nọc độc như ong…

Khi côn trùng bò trong ống tai, chúng ta chỉ có cảm giác nhột, khó chịu, ngứa ngáy. Lúc côn trùng gây sang chấn ống tai hay màng nhĩ sẽ gây rất đau. Mức độ đau khác nhau tùy người, có người có thể chết ngất, có người chỉ cảm giác khó chịu mà thôi và tùy thuộc mức độ tổn thương.

Trong trường hợp này, bạn cần thật bình tĩnh để xử lý đúng cách tránh gây những hậu quả nghiêm trọng tới thính lực. Hãy thử dùng một số mẹo sau để côn trùng “ngoan ngoãn” chui ra khỏi tai.

1. Sử dụng dầu Oliu

Dầu oliu vừa thơm vừa công hiệu xua côn trùng tốt (Ảnh: Biliste)

Khi phát hiện côn trùng bay vào tai, nên khéo léo nhỏ 1 giọt dầu oliu vào bên trong. Điều này sẽ khiến con côn trùng bị ngộp thở và tìm cách ra ngoài.

Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng biện pháp này khi bạn thấy đau tai mà không phải do côn trùng gây nên, trong trường hợp tai bị chảy máu, có vết thương hở.

2. Dùng rượu

Thấm rượu vào 1 miếng bông nhỏ. Để miếng bông bên ngoài tai và nhẹ nhàng nhỏ 1 vài giọt rượu vào trong. Điều này sẽ khiến khu vực quanh tai được vệ sinh và côn trùng bò ra ngoài.

3. Dùng ánh sáng

Côn trùng có tính hướng ánh sáng, nên có thể sẵn sàng bay vào lửa không thương tiếc – “Như con thiêu thân” (Ảnh: Pinterest)

Biện pháp chiếu đèn sáng vào tai có thể áp dụng vì đa số côn trùng gặp ánh sáng sẽ hướng sáng, tự động bò ra ngoài. Bạn có thể lấy đèn chiếu vào tai hoặc thắp ngọn nến trước lỗ tai.

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khiến tình trạng có thể trở nên tệ hơn, bạn không nên mắc phải:

1. Tuyệt đối không sử dụng bông tăm

Tuyệt đối không sử dụng bông tăm, que hay bất cứ vật dụng nào khác để ngoáy tai. Như vậy chỉ khiến côn trùng bị đẩy sâu vào bên trong và tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngay cả trong trường hợp bạn may mắn kéo được côn trùng ra ngoài cũng tăng nguy cơ bị viêm tai hoặc thính lực suy giảm.

2. Tuyệt đối không dùng tay bít lỗ tai

Tuyệt đối không chặn đường ra của côn trùng (Ảnh: healthline)

Nếu làm như vậy sẽ khiến tai bị đau hơn, thậm chí làm cho côn trùng sợ hãi và đốt vào phía bên trong.

Khi nào cần gặp bác sỹ?

Nếu không thể lấy côn trùng ra khỏi tai bằng các phương pháp tại gia, bạn nên đến gặp bác sỹ để được hỗ trợ càng sớm càng tốt. Đừng chủ quan vì những sơ suất nhỏ cũng có thể khiến bạn làm hỏng thính lực.

Khám tai (Ảnh minh hoạ: ViCare)

Côn trùng chết thì đơn giản hơn là lấy ra bằng những dụng cụ chuyên khoa như kẹp, móc… Nếu côn trùng còn sống, bác sỹ sẽ làm côn trùng chết nhanh bằng các loại thuốc như thuốc tê, nước oxy già nhỏ vào tai, các thuốc nhỏ tai như otipax, polydexa, dầu glycerin, dung dịch povidine…

Một số trẻ hốt hoảng, kích động, bác sỹ sẽ gây mê hoặc tiền mê nhẹ để giúp bé ngủ trong quá trình làm thủ thuật gắp côn trùng ra. Không gây sang chấn thêm nguy hiểm do cố lấy trong tình trạng bé giãy giụa.

Hoàng Kỳ (T/h)

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.