Theo Đông y, kinh lạc là đường khí huyết vận hành trong cơ thể. Thiên kinh biệt sách Linh khu viết: Con người có 12 kinh mạch, khoẻ mạnh bình an hay đau ốm bệnh tật đều bắt nguồn từ đó cả. 12 kinh mạch này lại vận hành tuân theo quy luật tương ứng với 12 canh giờ, mỗi kinh mạch sẽ hoạt động mạnh trong khoảng 2 tiếng trong ngày. Vì vậy việc hiểu và thực hiện tuân theo quy luật vận hành của 12 kinh mạch sẽ giúp bạn luôn khỏe mạnh và trường thọ.

Quy luật vận hành của 12 kinh mạch

 5h-7h (giờ Mão): Đây là thời điểm đại tràng hoạt động mạnh nhất. Lúc này là thời điểm lý tưởng để đi đại tiện.

7h-9h (giờ Thìn): Dạ dày hoạt động tích cực. Ăn sáng vào giờ này dễ tiêu hóa nên từ 7h-9h là thời điểm tốt nhất để ăn sáng. Ngạn ngữ Trung Hoa cũng có câu: “Ăn sáng như một ông Hoàng, ăn trưa như vị Hoàng Tử và ăn tối như kẻ ăn mày” đã nói lên tầm quan trọng của bữa sáng.

9h-11h (giờ Tỵ): Lá lách hoạt động tốt nhất vào thời điểm này.

11h-13h (giờ Ngọ): Tâm Kinh hoạt động mạnh. Đây là thời gian âm dương mất cân bằng nhất trong ngày nên con người dễ bị mệt mỏi, cần nghỉ ngơi để tránh mắc bệnh. Một giấc ngủ ngắn giờ Ngọ cũng có tác dụng dưỡng tim rất tốt, giúp bạn có buổi chiều và tối tràn đầy sinh lực.

13h-15h (giờ Mùi): Ruột non hấp thu và bài tiết tốt nhất vào giờ Mùi. Vì vậy bạn nên ăn trưa trước 1h chiều. Uống nước vào giờ này giúp ruột non thải độc.

15h-17h (giờ Thân): Bàng quang hoạt động mạnh nên cần uống nước nhiều. Uống nước vào giờ này đem lại hiệu quả cao nhất.

17h-19h (giờ Dậu): Thận hoạt động mạnh. Giờ Dậu Thận tích chứa tinh hoa, lúc này không phải là thời điểm thích hợp cho hoạt động mạnh, cũng không nên uống nhiều nước.

19h-21h (giờ Tuất): Là thời điểm Tâm Bào Kinh hoạt động mạnh giúp loại bỏ những nhân tố gây bệnh xung quanh tim để tim đạt trạng thái tốt nhất. Lúc này cần giữ tâm trạng thoải mái, có thể đọc sách, nghe nhạc, khiêu vũ, yoga, thiền định v.v. để giải tỏa áp lực.

21h-23h: (giờ Hợi): Là thời điểm Tam Tiêu Kinh hoạt động mạnh, có thể thông bách mạch. Vì vậy ngủ vào giờ này là cách dưỡng sinh rất tốt, có lợi cho sức khỏe và giữ dung nhan. Người sống thọ thường hay ngủ vào giờ Hợi.

23h-1h (giờ Tý): Đảm kinh hoạt động mạnh. Nếu Giờ Tý bạn chưa đi ngủ thì sẽ dễ bị thâm quầng mắt, khí sắc nhợt nhạt, dễ bị sỏi mật. Người ngủ trước giờ Tý sáng dậy đầu óc minh mẫn, khí sắc hồng hào, không bị thâm quầng mắt.

1h-3h (giờ Sửu): Gan hoạt động mạnh. Giờ Sửu chưa đi ngủ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất, thải độc của gan. Vì thế người trước giờ Sửu chưa đi ngủ thì sắc mặt xanh xám, tâm trạng uể oải, dễ bị bệnh gan và mặt đốm rỗ.

3h-5h (giờ Dần): Phế kinh hoạt động mạnh nhất. Người bị bệnh Phổi sẽ phát mạnh nhất vào thời điểm này, ví dụ như ho hay thở khò khè làm tỉnh ngủ.

Tại sao thức khuya lại rất nguy hiểm?

Mọi người đều biết rằng thức khuya sẽ khiến cả ngày hôm sau đều cảm thấy mệt mỏi, tựa như mất hết sinh khí. Người quen thức khuya tuy rằng có thể thích nghi nhưng về lâu dài sẽ thấy mệt mỏi và cũng dễ sinh bệnh.

Lý giải tác hại của thức khuya từ quan điểm của Đông y, tác giả Thái Hồng Quang có viết trong cuốn Cẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạc như sau:

Hoàng Đế Nội Kinh viết: “Nửa đêm kinh mạch trở về, mọi người đều phải ngủ.” Tại sao như vậy?

Chúng ta nên biết rằng, khi cơ thể nằm xuống thì các luồng kinh khí của toàn thân sẽ nhanh chóng quay về phủ tạng tương ứng. Một khi kinh khí đã về đúng vị trí của nó thì cơ thể tự nhiên sẽ cảm thấy hơi lạnh, cho nên lúc này người ta thường muốn kéo chăn đắp, dù chỉ che đến ngang hông. Sau một ngày hoạt động, cơ thể chúng ta đã tiêu hao không ít tinh lực, nên tối đến, kinh khí phải quay về phủ tạng để phục hồi.

Vì vậy nếu chúng ta thức khuya, kinh khí sẽ không thể trở về đúng vị trí của nó khiến phủ tạng không tự phục hồi được. Trong trường hợp như vậy, kinh khí không những không bảo dưỡng cho phủ tạng mà còn tiếp tục bị tiêu hao từ ngày sang đêm. So với ban ngày, thức khuya làm tiêu hao rất nhiều năng lượng. Cho nên, có những người chỉ cần thức một đêm, ba ngày sau vẫn chưa lấy lại sức lực. Có thể thấy, việc thức khuya gây tổn hại rất lớn cho sức khỏe, nhanh chóng dẫn đến chứng hư hàn và khiến chất độc ứ đọng trong cơ thể. Thức khuya lâu ngày sẽ thành thói quen, làm đồng hồ sinh học bị lệch, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, và có thể làm xuất hiện những căn bệnh nan y. Vì vậy, chúng ta cần rèn luyện thói quen ngủ sớm.

Vũ trụ vận hành theo các quy luật, cơ thể con người cũng vậy luôn vận hành theo các quy luật nhất định. Vậy nên hiểu và tuân theo các quy luật này chính là bí quyết giúp bạn sống khỏe, sống thọ.

Đại Hải

Xem thêm: