Cặm cụi dưỡng da hàng ngày nhưng nếu bạn không biết chống nắng thì có khi công sức sẽ nhanh chóng đổ sông đổ biển. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu về ‘nắng’ và chọn kem sao cho hiệu quả.

Ánh nắng mặt trời là nguồn phát ra tia tử ngoại (hay còn gọi là tia cực tím – tia UV). Đây chính là tác nhân gây nên rất nhiều vấn đề khổ sở cho làn da của bạn, mức độ phụ thuộc vào cường độ ánh sáng, thời gian tiếp xúc, và việc da có được bảo vệ hay không.

Nếu không bảo vệ da khỏi tia nắng mặt trời, chỉ cần vài phút tiếp xúc mỗi ngày theo thời gian sẽ tạo ra những thay đổi đáng chú ý cho da. Tàn nhang, đồi mồi, gân máu, da thô, nếp nhăn, mất collagen, sừng hóa… đều có nguyên nhân do ánh nắng mặt trời và thậm chí là ung thư da.

Cơ chế tác động cơ bản như sau: Khi ánh nắng mặt trời tác động đến các vùng da, ngay lập tức, các tế bào da sẽ phản ứng ngược lại bằng cách tăng sản sinh melanin – sắc tố quyết định màu da. Melanin càng nhiều, da càng bị sậm đen.

Ánh sáng mặt trời tiếp cận trái đất bao gồm hai loại tia có hại – các tia UVA và UVB. Ngoài gây ung thư da, chúng còn gây tác hại:

  • Tia UVA (hoặc tia lão hóa) sớm có thể già đi làn da của bạn, gây ra nếp nhăn và các đốm đồi mồi, và có thể đi qua kính cửa sổ. Tia này xuất hiện từ 6h sáng đến 5 – 6 giờ chiều.
  • UVB (hoặc tia đốt) là nguyên nhân chính của cháy nắng, da bỏng rát và kích thích tế bào hắc tố và bị chặn bởi kính cửa sổ, xuất hiện từ khoảng 8h sáng đến 4 giờ chiều.

Do vậy, để giữ được làn da đẹp và khỏe, bạn cần che chắn khi đi ra ngoài đường, nhất là vào mùa hè, và đồng thời nên tham khảo sử dụng các loại kem chống nắng tốt. Học viện Da liễu Mỹ khuyên tất cả mọi người sử dụng kem chống nắng với các tính năng như sau:

  • Bảo vệ phổ rộng (bảo vệ chống lại tia UVA và UVB)
  • Sun Protection Factor (SPF) từ 30 trở lên
  • Không thấm nước

Vậy bạn nên chọn kem chống nắng như thế nào?

Đầu tiên bạn hãy để ý đến các chỉ số SPF, PA và Broad – Spectrum trên kem chống nắng. Vì dù là kem chống nắng vật lý hay hóa học thì cũng đều cần những chỉ số này để “chống nắng”.

1. Chỉ số SPF là gì?

SPF (Sun Protector Factor) – là chỉ số bảo vệ da trước tia UVB

Có nguồn thông tin ghi rằng, 1 SPF = 10 phút bạn có thể dong dong đi nắng trong điều kiện lý tưởng. Thế có nghĩa là SPF 30 thì da mình được bảo vệ trước tia UVB là 300 phút (tương đương 5 tiếng), SPF 50 thì sẽ là hơn 8 tiếng, còn SPF 100 sẽ là 16 tiếng?

Thực ra, các chuyên gia da liễu có lời khuyên rằng cứ 2 tiếng nên thoa lại kem chống nắng một lần. Hơn nữa chỉ số cao cũng dễ gây tác dụng phụ hơn, vậy nên bạn cũng không cần các loại kem có chỉ số rất cao.

Còn một ý nghĩa nữa của chỉ số này: chỉ số cao hơn thì khả năng chống nắng cũng cao hơn: SPF 15 sẽ chặn được 93% các tia UVB, SPF 30 chặn được 95 và SPF 60 thì lọc được 98%.

Nhiều người khuyên rằng có thể dùng loại kem từ SPF 15 – 20 trong điều kiện bình thường mà bạn không đi ra ngoài nắng nhiều.

Nhưng chỉ số được khuyên dùng nhất là SPF từ 30 đến 50.

2. Chỉ số PA

PA (Protection Grade) – chỉ khả năng bảo vệ da trước tia UVA

Có 3 cấp độ thường gặp:

PA+: Chống tia UVA 40-50%

PA++: Chống tia UVA 60-70%

PA+++: Chống tia UVA 90%

Tóm lại về PA, chỉ số càng cao thì khả năng bảo vệ da của bạn trước tia UVA càng lớn, do vậy bạn nên chọn những sản phẩm kem chống nắng có PA+++

3. Broad – Spectrum

Có rất nhiều loại kem chống nắng không có chỉ số PA, vậy có nghĩa là da bạn không được bảo vệ trước tia UVA? Vậy hãy xem xem trên sản phẩm chống nắng ấy có ghi chữ “Broad- Spectrum” không?

Những sản phẩm chống nắng có SPF lớn hơn 15 có ghi chữ Broad Spectrum – quang phổ rộng trên bao bì được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận – đều có khả năng bảo vệ da khỏi 2 tia UVA và UVB. Nên khi quyết định mua 1 sản phẩm chống nắng, nếu không có PA+ nhưng có SPF và Broad Spectrum thì cũng đủ điều kiện để chống nắng cho bạn rồi.

Còn một chú ý nữa khi bạn chọn kem chống nắng, đó là cần kiểm tra xem bạn có bị dị ứng với sản phẩm không.

Một số người dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với các chất hóa học, mỹ phẩm, nên sau khi dùng kem chống nắng thấy mẩn đỏ, ngứa, nổi mụn nước… Một số kem chống nắng có Octyl methoxycinnamate (chất chống lại tia UVB) có thể gây kích ứng khiến da rất ngứa. Hương liệu tạo thơm trong kem chống nắng cũng có thể gây dị ứng.

Do đó, lần đầu tiên dùng kem chống nắng nên bôi thử vào sau tai, trong cẳng tay và chờ vài giờ. Nếu không ngứa, nổi mẩn đỏ thì dùng được.

Lưu ý rằng, nhiều khi trời không thấy ánh nắng nhưng hàm lượng các tia UV vẫn có thể ở mức cao, và làn da của bạn vẫn có thể bị thương như thường nếu không có gì che chắn bảo vệ khi đi ra ngoài.

Tú Linh

Xem thêm: