Mọi người thường có xu hướng thúc giục con phải ăn nhanh. Kỳ thực, thói quen này không có lợi đối với sức khỏe của trẻ, mà ăn chậm nhai kỹ mới là có lợi hơn cả!

Cân nặng của trẻ vượt tiêu chuẩn quá nhiều, thậm chí trở nên béo phì đã trở thành vấn đề mà nhiều gia đình phải suy nghĩ. Trên thực tế, muốn trẻ không bị béo phì thì ngoài việc cho trẻ vận động nhiều ra còn phải tạo cho trẻ thói quen đúng trong ăn uống.

Mới đây các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu. Họ đã mời 54 học sinh có độ tuổi từ 6 – 17 tuổi tham gia thí nghiệm. Những em học sinh này được chia làm hai nhóm. Một nhóm là “nhai từ từ rồi nuốt chậm” (nhóm này còn được gọi là nhóm tiêu chuẩn, các nhân viên nghiên cứu đã yêu cầu các em phải ăn uống với nhịp độ chậm) và một nhóm là “nhóm không theo tiêu chuẩn” (tức là nhóm các em ăn không theo yêu cầu gì).

Cuối cùng, các nhân viên nghiên cứu đem kết quả của hai nhóm này so sánh với một nhóm học sinh bình thường khác. Kết quả phát hiện, sau 6 tháng, thể trọng của những em học sinh thuộc nhóm “tiêu chuẩn” giảm đi từ 2%—5.7%, sau một năm thể trọng của các em này giảm đi từ 3.4%—4. 8%. Ngược lại, sau 6 tháng, thể trọng của những em học sinh ở nhóm “không tiêu chuẩn” tăng thêm từ 4.4%—5.8%, sau một năm thể trọng của các em này tăng thêm 8.3%—12.6%. Thể trọng của những em ở nhóm “bình thường” tăng thêm từ 6.5%—8.2%.

Vậy vì sao ăn chậm nhai kỹ lại có quan hệ với thể trọng?

Đây là bởi vì, khi thức ăn được nuốt vào bụng thì tín hiệu “ăn no” được truyền đến đại não thông thường cần phải có thời gian là 15 phút. Nếu như mỗi miếng ăn nhai 30 giây, đại não có đủ thời gian để tiếp nhận phản xạ cảm giác no bụng, giúp phòng ngừa nạp quá nhiều thức ăn.

Phương pháp này xem ra khá dễ thực hiện, nếu kiên trì làm được sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe.

Gần đây, tại Thượng Hải, Trung Quốc người ta cũng tiến hành điều tra 2500 em học sinh tiểu học và trung học. Kết quả phát hiện đang có xu hướng ăn uống quá nhanh, nhất là ăn bữa sáng và bữa trưa. Điều này có thể là do nguyên nhân, các bậc cha mẹ đều cho rằng “nhanh” là một thói quen mà con mình cần phải làm được. Cho nên, khi trẻ ăn chậm thì họ thường xuyên thúc giục, lâu dần trẻ sẽ tạo thành thói quen nhai không kỹ đã nuốt luôn cho nhanh.

Ngoài ra, thức ăn khi được đưa vào miệng trước hết phải được răng nhai kỹ, nghiền nát, sau đó mới được nuốt xuống dạ dày, biến thành chất hồ lỏng rồi chuyển sang ruột non để tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa nếu làm việc bình thường thì cơ thể mới có thể hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng, tinh thần mới tràn trề và khí huyết sung mãn. Nếu cho trẻ ăn quá nhanh thì dạ dày lại phải mất công tốn sức co bóp nghiền nát thức ăn, lâu dần sẽ rất hại dạ dày, gây rối loạn tiêu hóa và các bệnh đường ruột khác.

Việc trẻ ăn uống tưởng như đơn giản nhưng lại là việc có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như trí lực của trẻ. Các bậc cha mẹ hãy lưu ý nhắc nhở con cần ăn chậm nhai kỹ để tốt cho trẻ nhé!

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: