Tuổi đến trường cũng là tuổi ăn tuổi lớn, là những năm tháng đặt nền móng cho thành công tương lai. Để tránh rủi may học tài thi phận, hãy bước đi vững vàng ngay từ khi khai giảng.

Nhiều em bình thường học lực không phải tệ nhưng do áp lực tâm lý nên kết quả không được như mong đợi. Nên ngoài kiến thức các em cũng cần trang bị cho mình những thói quen sinh hoạt tốt để có thể vượt qua kỳ thi nhẹ nhàng và phát huy hết thực lực bản thân.

1. Ăn sáng đầy đủ

Bữa sáng giúp chúng ta nâng cao khả năng học tập và làm việc một cách đặc biệt. Đồng thời giúp cải thiện bộ nhớ ngay tức thì mà không có phương pháp nào có thể thay thế tốt hơn.

Vào buổi sáng sau khi thức dậy là thời điểm não bộ có mức đường huyết thấp, ít năng lượng nhất. Ăn sáng vào lúc này sẽ giúp cho bạn tăng thêm khả năng ghi nhớ, làm chủ sự tập trung, cải thiện khả năng học tập.

2. Ăn chậm để cải thiện khả năng suy nghĩ của não

Tập cho mình thói quen ăn chậm không chỉ giúp tiêu hóa dễ dàng hơn mà còn làm cho vỏ não tăng khả năng tuần hoàn máu, thúc đẩy hoạt động của tế bào não, có hiệu quả lớn trong việc cải thiện sức mạnh bộ não. Nhưng cần tránh tình trạng vừa ăn vừa học.

3. Thể dục

Những ngày thi cử khiến bạn giam mình trong phòng, thời gian ngồi học nhiều hơn. Vận động thể lực mỗi ngày tối thiểu 30ph sẽ giúp bạn phục hồi sức khoẻ và thư giãn sau cả ngày học tập căng thẳng.

4. Ngủ đủ giấc

%image_alt%
Ngủ gục trên bàn học là tình trạng thường thấy vào mùa thi (Ảnh: aFamily)

Các sĩ tử thường đến kỳ nước rút mới lao đầu vào học đến quên ăn quên ngủ nhưng sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng học xong mà chữ bay đi hết trong khi các em vẫn còn đang trong tuổi ăn tuổi ngủ. Bộ não cũng như cơ bắp, sau một thời gian hoạt động căng thẳng nhiều thì cần được nghỉ ngơi.

Một giấc ngủ ngắn buổi trưa, tối ngủ đủ ít nhất 7h sẽ sẽ giúp bạn giữ được sự tỉnh táo cho đầu óc.

Vả lại, có ngủ được say thì trong giấc ngủ vào giai đoạn có giấc mơ, cũng là lúc mà các kích thích tố tăng trưởng được tiết ra giúp các em mau lớn thêm nữa.

Thức khuya sẽ dậy muộn, thường đi kèm cảm giác uể oải, ù tai, hoa mắt, ăn uống kém ngon miệng, khô mắt, đau mỏi cơ, ảnh hưởng phát triển chiều cao. Thực tế nhiều sĩ tử thi tốt nghiệp với điểm số khá cao mà vẫn ngủ đủ 8 tiếng một ngày đêm.

Điều quan trọng là nắm vững kiến thức và phân bố quỹ thời gian hợp lý để cân bằng việc học và sức khỏe. Làm “cú đêm” chưa chắc đã học được nhiều kiến thức hơn đâu.

5. Thiền định

%image_alt%
Các học sinh ở Mỹ đang thực hành thiền định (Ảnh: ĐKN)

Thiền định cũng được ghi nhận là phương pháp giúp tăng cường trí tuệ, phù hợp với môn học cần tưởng tưởng như văn hay cần sự tư duy logic của toán.

Ở nhiều trường học trên thế giới đã đưa thiền vào chương trình dạy, những triết lý của thiền còn giúp các em vượt qua được các thử thách trong cuộc sống sau này.

6. Xây dựng phương pháp học tập riêng

Học bài theo nhóm

Học không có phương pháp thì dù tốn thời gian hiệu quả cũng không được cao. Mỗi người cần tìm cho mình một phương pháp học tập khoa học, có những gợi ý sau:

  • Một ngày không nên học chỉ một môn, một chủ đề dễ dẫn đến nhàm chán.
  • Buổi sáng nên dành cho các môn cần học thuộc.
  • Sử dụng sơ đồ tư duy Mind map.
  • Nghe nhạc khi học: nhiều người thấy dễ ghi nhớ khi vừa học vừa nghe nhạc, nhưng chỉ có nhạc không lời là thích hợp để dùng.
  • Học theo nhóm để tăng sự giao lưu chia sẻ lẫn nhau.

Hoàng Kỳ t/h

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.