Đau đớn là như là một phần tất yếu của cuộc sống, cơn đau giúp bạn sớm nhận ra các bất thường trong cơ thể để kịp thời điều trị. Nhiều cơn đau không đáng ngại và sẽ sớm biến mất, nhưng có một số cơn đau thực sự càng nguy hiểm nếu bạn càng cố gắng chịu đựng. Dưới đây là những kiểu đau mà bạn cần đến khoa cấp cứu ngay lập tức vì tính chất nguy hiểm của nó.

1. Đau ngực

Cơn đau thắt ngực khiến người bệnh cảm giác như ngực bị bóp chặt và có thể lan lên cổ, ra cánh tay. Cơn đau cũng có thể xuất hiện hoặc tăng lên khi gắng sức.

Kiểu đau này một triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim cực kỳ nguy hiểm. Càng cố gắng chịu đựng tức là bạn đang càng khiến cơ tim thêm tổn thương. Vì vậy nếu bạn có cơn đau ngực như trên thì cần nhanh chóng đến bệnh viện.

Nếu bạn có cơn đau ngực như trên thì cần nhanh chóng đến bệnh viện. (Ảnh: webmd.com)

2. Đau đầu

Thông thường đau đầu không phải là dấu hiệu nặng. Đôi khi làm việc căng thẳng hay thay đổi thời tiết cũng có thể khiến bạn đau nhức đầu. Trừ trường hợp cơn đau đến bất chợt, đặc biệt là sau khi gắng sức và khiến bạn cảm tưởng như đó là cơn đau tồi tệ nhất trong đời. Đây có thể là dấu hiệu của chảy máu não, một tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp.

3. Đau bụng

Đau bụng có rất nhiều nguyên nhân, có thể do rối loạn tiêu hóa, viêm ruột thừa, viêm loét dạ dày, sỏi mật, viêm tụy, tắc ruột…

Viêm ruột thừa thường đau ở vùng dưới rốn bên phải và có thể kèm theo nôn, buồn nôn, sốt nhẹ. Bất cứ ai có triệu chứng nêu trên đều nên đến khoa cấp cứu vì nếu để lâu ruột thừa sẽ bị vỡ, gây biến chứng và khó khăn cho điều trị.

Đau do sỏi mật lại thường ở vùng bụng trên rốn bên phải, thông thường là sau bữa ăn nhiều dầu mỡ. Bệnh nhân có thể đau rất nhiều và kèm theo nôn. Cũng tương tự như viêm ruột thừa, loại bỏ sỏi mật sớm sẽ giúp quá trình điều trị đơn giản và ít biến chứng hơn.

Đau bụng có rất nhiều nguyên nhân, có thể do rối loạn tiêu hóa, viêm ruột thừa, viêm loét dạ dày, sỏi mật, viêm tụy, tắc ruột. (Ảnh: 123rf.com)

4. Đau lưng

Hầu hết các trường hợp đau lưng là do căng cơ, tuy nhiên đau lưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh nặng. Nếu đau lưng kèm theo tê, yếu tay chân và sốt thì bạn nên được kiểm tra ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn tủy sống và cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh bị tổn thương tủy sống vĩnh viễn.

5. Đau chân

Nếu bạn bị đau chân kèm theo sưng phù chân thì đây có thể là dấu hiệu của tắc tĩnh mạch chi dưới do cục máu đông. Cục máu đông rất dễ hình thành ở những bệnh nhân nằm bất động như người bị liệt, sau phẫu thuật.

Nếu bạn bị đau chân kèm theo sưng phù chân thì đây có thể là dấu hiệu của tắc tĩnh mạch chi dưới do cục máu đông. (Ảnh: runnersworld.com)

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, cục máu đông có thể “chạy” lên phổi, gây tắc mạch phổi và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Theo MSN
Đại Hải

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.