Các loại thực phẩm nhuận tràng, một số bài thuốc quý trong dân gian… sẽ giúp bé tránh xa chứng táo bón mà không cần dùng đến thuốc. Giúp bé khỏe mạnh, ăn ngon hơn.

Theo Y học hiện đại, táo bón là tình trạng phân di chuyển chậm, bị hấp thu lại một phần nước nên phân trở nên cứng rắn, khô nứt nẻ hoặc tròn nhỏ như phân dê. Đi đại tiện rất khó khăn, bé phải ngồi lâu, rặn nhiều gây đau rát, tình trạng nặng hơn phân có thể dính máu khiến bé sợ hãi, không chịu đại tiện.

Táo bón thường được chia làm 2 loại: Táo bón cơ năng và táo bón thực thể.

Táo bón cơ năng: Chủ yếu là do chế độ ăn, chế độ sinh hoạt gây ra như uống ít nước, ăn ít chất xơ, mải chơi không chịu đi vệ sinh, sợ bẩn…

Táo bón thực thể: Là do một số bệnh gây nên như: Phình đại tràng bẩm sinh, nứt kẽ hậu môn, suy giáp trạng, đại tràng dài…

Táo bón, triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi nếu không được chữa trị dứt điểm sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Làm bé biếng ăn, còi cọc, làm ruột già suy yếu, dãn ra và có nguy cơ thủng ruột, gây nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ…

Khi trẻ đi ngoài khó khăn, đau đớn, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để phòng tránh táo bón cho bé ngay tại nhà. Để bé phát triển và có một thể chất toàn diện hơn.

1. Tăng cường thực phẩm nhuận tràng

Thực phẩm chứa chất xơ giúp nhuận tràng trị táo bón. (Ảnh: titoho)

Việc ăn uống góp một phần quan trọng trong việc điều trị táo bón cho bé, cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước hằng ngày, tăng cường chất xơ, củ quả trong các bữa ăn để giúp bé thoát khỏi tình trạng đi ngoài khó khăn.

Dưới đây là một số nhóm thực phẩm nhuận tràng, cha mẹ có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày của bé.

Rau củ: Súp lơ xanh, rau dền đỏ, rau mồng tơi, bắp cải, cải thảo, giá đỗ, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, bí ngô, củ cải…

Trái cây: Táo, xoài, nho, mận, quả mâm xôi…

Các loại hạt: Hạt lanh, hạt dẻ, hạt điều, hạt đậu, hạnh nhân…

2. Mát xa bụng hàng ngày cho bé

Mát xa xung quang rốn giúp bé giảm đau bụng và phòng tránh đầy hơi, tăng nhu động ruột… (Ảnh: 123RF)

Mát xa bụng đem lại rất nhiều lợi ích cho bé yêu: Ngoài việc giúp cơ thể của bé được cứng cáp, tinh thần thoải mái, còn có tác dụng lớn trong việc chống táo bón, kích thích tuần hoàn và tiêu hóa cho bé yêu của bạn.

Cho bé nằm sấp khiến bụng bé đỡ trướng và kích thích bé đi tiêu được tốt hơn. Mẹ dùng hai tay từ từ nhẹ nhàng vuốt dọc từ đầu bé tới lưng bé. Làm đi làm lại động tác này 20 lần.

Đặt bé nằm ngửa trên mặt đệm phẳng cứng. Bố mẹ mát xa bụng con bằng cách xoa nhẹ nhàng từ phải qua trái, cách này giúp bé giảm đau bụng và phòng tránh đầy hơi, tăng nhu động ruột…

Tay xoa nhẹ nhàng quanh vùng rốn bé. Đặt hai ngón tay trỏ và giữa của bàn tay bạn cạnh rốn bé ấn nhẹ nhàng xoay vòng và tiếp tục ấn nhưng nhẹ hơn, trượt ngón tay xung quanh rốn nhẹ nhàng và lặp lại.

3. Cha mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian

Rau dền gai thanh nhiệt nhuận tràng thích hợp cho điều trị táo bón. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Dưới đây là một số bài thuốc dân gian đơn giản, an toàn có tác dụng đẩy lùi chứng táo bón ở trẻ nhỏ, cha mẹ có thể áp dụng:

Bài thuốc với rau dền gai: Rau dền tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, nhuận tràng. Lấy khoảng 250gr rau dền, rửa thật sạch và luộc sôi chừng 3 phút. Sau đó, vớt rau ra và trộn với dầu vừng/bột vừng đen rồi cho trẻ ăn cùng cơm.

Bài thuốc với huyền sâm + mạch môn + sinh địa: Các vị thuốc trên có tác dụng thanh tâm, tả nhiệt, kháng khuẩn mạnh… Lấy 12g mỗi vị huyền sâm, mạch môn, sinh địa đem sắc lấy nước cho trẻ uống hằng ngày có tác dụng trị táo bón nhanh.

Lê Vân

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.