Không phải cứ xuất gia mới là tu Phật, ngay tại đời thường mà tu được mới chính là đã tìm được chân lý thực sự của Phật Pháp. Sự rạng rỡ của những năm tháng trị vì của vua Trần Nhân Tông, phải chăng chính là nhờ đạo lý xuyên suốt này? 

Không phải cứ xuất gia mới là tu Phật, ngay tại đời thường mà tu được mới chính là đã tìm được chân lý thực sự của Phật Pháp.

Trần Nhân Tông là vị hoàng đế thứ ba của vương triều Trần trong lịch sử Việt Nam.

Xuyên suốt những năm tháng trị vì, lịch sử Việt cổ đã ghi chép nhiều thành tựu mà ông gây dựng, nhưng những đạo lý mà ông truyền cấp cho hậu thế lại chưa được phổ truyền nhiều.

Ông được đánh giá là một vị vua anh minh sáng chói, có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi tới xây dựng phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nước Đại Việt xưa. Điều kỳ lạ là ông xuất gia tu Phật khá nhiều năm, cho tới tận những năm cuối đời rồi tọa hóa trên am ở Yên Tử, song vẫn để lại dấu ấn của một vị vua trị vì giữa đời…Tại sao vậy?

Ngay từ khi còn nhỏ, vua Trần Nhân Tông đã mang trong mình sự mong mỏi muốn được tìm tới chân lý thực sự của đời người, Ông không ngừng đọc và tiếp thụ Phật pháp.

Trong các tác phẩm của mình, vua cha Trần Thái Tông cũng đã nói đến tình trạng “tới chùa mà không tu”:

“Khi tới chùa chiền

Gần Phật gần kinh  

Mắt không thèm ngó,

Phòng tăng điện Phật

Gặp gỡ gái trai

Cuối mắt đầu mày

Ham mê sắc dục

Không kiêng Hộ Pháp

Chẳng sợ Long Thần

Trố mắt ham vui

Đầu chưa từng cúi”

Và:

“Chẳng riêng người tục

Cả đến thầy Tăng

Kinh luận tranh giành

Cùng nhau công kích

Chê các sư trưởng

Nhiếc đến mẹ cha

Cỏ nhẫn lụi vàng

Lửa độc rực cháy

Buông lời đau vật

Cất tiếng hại người

Không nghĩ từ bi

Không theo luật cấm

Bàn thiền tựa thánh

Trước cảnh như ngu

Dẫu ở cửa Không,

Chưa thành Vô Ngã”.

Lấy bản thân làm kim chỉ nam cho người đời hiểu về tu luyện chân chính

Chứng kiến tình trạng chùa chiền và Tăng lữ trong Phật giáo thời vua cha Trần Thái Tông như vậy, ông đã đau đáu tìm con đường đạo, không chỉ để viên mãn bản thân mình trong những điều chứng ngộ về Phật Pháp, mà còn để có thể giúp nước giúp dân. Ông đã thực hiện việc lấy bản thân làm kim chỉ nam cho người đời hiểu về tu luyện chân chính, phản ảnh chính trong cảnh giới ngộ đạo và thành quả tu luyện của bản thân ông. Trong tác phẩm của mình, ông đã viết:

‘Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền

Có báu trong nhà thôi khỏi kiếm

Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền’’

Như vậy cảnh giới tư tưởng của Trần Nhân Tông đã bộc lộ rất rõ, Phật pháp là cuộc sống, và không hề tách ly phân biệt, trong chính cuộc sống nơi trần tục, tự tại an nhiên giữa dòng đời, buông bỏ tham chấp, tu tâm đoạn dục, nâng cao cảnh giới thực sự nhập định khi thiền. Đạt đại trí đại huệ, tiến đến bờ giác ngộ.

Trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú, gồm 10 khổ, ngay trong phần mở đầu ông đã viết câu mở đầu của hội thứ nhất, Trần Nhân Tông đã xác định thể hiện rõ quan điểm về phạm trù đời và đạo:

Mình ngồi thành thị

Nết dụng sơn lâm

(khổ thứ nhất)

Đời là thành thị

Đạo chốn sơn lâm.

Chính là ý nói, con người trong bôn ba ngược xuôi của cuộc sống, gánh vác mối lo toan đó, chịu ảnh hưởng từng ngày bởi những cám dỗ, cạm bẫy về danh-lợi-tình mà luôn giữ được tâm thanh tịnh như chốn núi rừng, thì đó mới nói là cảnh giới người tu luyện. Trong chính thùng thuộc nhuộm lớn ở chốn cuộc sống người thường mà tu luyện được mới chính là vàng chân, ý chí là kim cương bất phá.

Dứt trừ nhân ngã,

Thì ra thực tướng kim cương

Dừng hết tham sân,

Mới làu lòng mầu viên giác.

(khổ thứ hai)

Trong khổ thứ hai này, Trần Nhân Tông coi ‘nhân tâm’ con người là cái mà tu bỏ đầu tiên, nó đối nghịch với tiên thiên thuần tịnh của mỗi con người, trong con đường tu luyện những chấp trước, tham lam, thù hận, sự ngạo mạn và si mê phải buông bỏ ắt sẽ tìm thấy bình yên trong tâm hồn, đó là những gánh nặng đặt lên vai mỗi con người khiến tư tưởng không thể tiếp thụ cảnh giới vượt xa người thường mà chân chính nhập định và thăng hoa cảnh giới tư tưởng trong thiền.

Dấu ấn lịch sử và thông điệp cho hậu nhân

Sử Việt và lịch sử của các nước trên thế giới ghi nhận chưa có một vị vua nào chân chính đi tìm đạo, khi đắc đạo vẫn quay trở về phò trợ quốc gia đại sự, cũng là một vị vua đầu tiên mà mở mang bờ cõi của mình không có chinh chiến binh đao.

Cách đây hơn 2500 năm, lịch sử Ấn Độ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giã từ ngôi báu vào rừng khổ tu để tìm chính đạo, thì sử Đại Việt chúng ta có nhà vua Trần Nhân Tông, là bậc hoàng đế của một nước, đi tìm Đạo từ tấm lòng mộ Đạo mà Đắc đạo, nhưng vẫn có thể đem Đạo để giúp nước giúp dân chứ không chỉ vì sự viên mãn của bản thân mình. 

Điều này nói lên một thông điệp gửi gắm cho hậu nhân, đó chính là: 

Người đứng đầu một nước, phải là người có tâm Đạo, muốn trị vì dân tộc phải lấy Nhân Đức trị nhân, muốn bình an bờ cõi phải dùng hòa ái mà đối ngoại. Để chứng minh cho sự hùng thịnh của triều đình khi dùng tâm đạo mà trị quốc, nhà vua Trần Nhân Tông đã giảng và đưa cả quan quân trong triều quy y Phật Pháp. Đưa giáo lý nhà Phật giúp quan quân hiểu đạo lý mà làm tròn chức trách bổn phận, dùng Phật pháp mà giữ lòng dân bình ổn, xã tắc ắt tự an.

Tịnh Tâm – Hà Phương