Thiên tài Lugwig Van Bethoven để lại một kho tàng âm nhạc thính phòng cho nhân loại, số lượng những thể loại tới hàng trăm và muôn hình muôn vẻ.Ngoài sonata còn nhiều bản tứ tấu (quartuor), tam tấu (trio), ngũ tấu (quintett), nhiều biến tấu và tiểu phẩm piano. Với tứ tấu, sự đối đáp giữa 4 người chơi như một câu chuyện tâm sự xúc động tràn đầy.

Một nhóm nghệ sĩ tại chương trình hòa nhạc thính phòng “CELLO Fundamneto concert 2”. Ảnh: news.vnay.com.vn

Kế tiếp những tứ tấu Haydn và Mozart, Bethoven đã sáng tác cả thảy 16 bản. Những tác phẩm này có tầm quan trọng vô cùng trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ. Người ta thường chia những tứ tấu của ông làm ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất gồm 6 tứ tấu, viết cùng thời với bản giao hưởng số 3. Những tác phẩm này còn mang dáng dấp của phong cách Haydn, Mozart. Song trong đó đã có những đặc điểm mới như việc sử dụng những phương tiện âm nhạc phức điệu, có tác phẩm ở ngay chương đầu đã là chương Skecdô (Skarzo thông thường ở chương III) hoặc chương II Adagio thay vào chương Andante của Mozart. Chủ đề của những tứ tấu này thường có tính chất trữ tình sâu sắc, tính chất bi thương.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ năm 1806 đến 1807, Bethoven viết tiếp ba bản tứ tấu để tặng sứ thần Nga ở Viên là bá tước Radumôpxki. Trong những bản tứ tấu số 7, 8, 9 này , ông đã sử dụng những chủ đề dân ca Nga rút từ tuyển tuyển tập dân ca của Lơvôp và Pơrat, bài “Ôi thiên tài, thiên tài của tôi” (chương kết tứ tấu số 7) và một làn điệu hay của bài “Hương thơm”. Các tác phẩm số 10, 11 được viết theo cách phát triển mạnh mẽ, hình tượng thống nhất.

Giai đoạn ba gồm 5 bản tứ tấu cuối cùng, được viết giữa những năm 1824-1826, đó là những năm cuối đời của nhạc sĩ, giai đoạn ông đang hoàn thành bản giao hưởng số 9 và bản lễ ca trang trọng. Những tứ tấu này được Bethoven viết với một bút pháp hết sức mới mẻ và sáng tạo. Bản tứ tấu cuối cùng (số 16) đồ sộ như gaio hưởng số 9. Chương kết của bản này có cả giọng hát được viết bằng hai âm hình như cách hỏi và trả lời.

Những tứ tấu của Bethoven đã mở ra một phong cách mới trong sự thể hiện những nội dung tư tưởng có chiều sâu phức tạp, kịch tính, góp phần vào sự hoàn thiện những thể loại âm nhạc thính phòng của đầu thế kỷ XIX.

Bên cạnh tứ tấu, Bethoven còn để lại cho chúng ta 6 bản tam tấu piano, 2 ngũ tấu đàn dây, 1 thất tấu, khoảng 60 bản hòa tấu cho dàn nhạc hỗn hợp, hàng chục bản biến tấu, nhiều tiểu phẩm piano… Những tác phẩm phong phú ấy là những tác phẩm vô giá trong kho tàng âm nhạc của nhân loại.

Chúng ta cùng thưởng thức tứ tấu số 14 (String Quartet No 14 Op 131 in C♯ minor Alban Berg Quartet):

Có thể nói tác phẩm thấm đượm chất anh hùng, chất bi hùng đặc trưng trong Bethoven – chất liệu đặc thù của ông. Với thính giả yêu nhạc cổ điển sẽ không tránh khỏi xao xuyến suy tư trước những nét nhạc trữ tình trong sáng và yêu kiều, với những đối đáp trầm bổng lãng mạn đến thế …

Bạn đang đọc bài viết: “Thưởng thức tinh tế bản “Tứ tấu số 14″ của Beethoven” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!