Bạn đã mệt mỏi với những khối bê tông nóng hầm hập nơi thành thị? Bạn đã sợ những bãi biển quá đông đúc người chen người? Người ta bảo sông cũng là sinh mệnh, cũng biết đau, biết vui, biết buồn…

Nếu bạn muốn thả hồn vào không khí mát rượi của dòng sông yên ả thanh bình, mang theo quá khứ lịch sử oai hùng, thì những chuyến đi này sẽ đem về cho bạn những cảm xúc tươi mới khi tìm về với bình yên và cội nguồn dân tộc…

  1. Sông Ngô Đồng: Hành cung Vũ Lâm, Hoa Lư, Ninh Bình, căn cứ địa thời Trần

Rất nhiều con sông của Việt Nam đã đi cùng năm tháng, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử.

Sông Ngô Đồng là một con sông tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nó là một chi lưu của sông Sào Khê (là sông nối sông Hoàng Long với sông Vạc).

Sông Ngô Đồng chảy từ vùng đầm trũng trong lòng hệ thống núi đá vôi của quần thể di sản thế giới Tràng An, len qua các vách núi và cánh đồng lúa rồi đổ nước vào hệ thống sông Vạc tại gần cầu Vũng Trắm.

Trên sông có danh thắng Tam Cốc, đền Thái Vi, đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đền thờ mẫu…Khi đến thăm các danh thắng này, chúng ta thường chèo thuyền trên sông Ngô Đồng để thả mình vào sông nước mây núi, thả hồn vào quá khứ lịch sử oai hùng xa xưa.

Cảnh quan hai bên bờ sông Ngô Đồng là những vách núi đá vôi có lịch sử hình thành lâu đời. Vào tầm tháng 4 và tháng 5 là lúc sông Ngô Đồng đẹp nhất bởi cánh đồng lúa trải dọc hai bên bờ sông chín rộ, trổ một màu vàng khiến ai tới đây cũng phải mê mẩn.

Dấu ấn hành cung Vũ Lâm: chuyện binh đao và chuyện tu hành…

Ở đây in dấu của hành cung Vũ Lâm, gắn với lịch sử câu chuyện binh đao thời Trần. Vua Trần Thái Tông- vị vua đầu tiên của vương triều Trần đã nhường ngôi cho con sau thắng lợi chống Nguyên – Mông lần thứ nhất năm 1258. Ngài đã vân du khắp giang sơn đất nước để ngoạn cảnh và tìm chốn tĩnh lặng tu thiền.

Dừng chân tại Tràng An, Ninh Bình, thượng hoàng bị cuốn hút bởi vùng không gian xanh biếc với núi rừng cây cỏ, sông ngòi uốn khúc, hang động kỳ bí, mây vờn núi, núi ẩn trong mây.

Ngài ví nơi đây như chốn tiên cảnh và muốn tận hưởng những tháng ngày tạm xa cõi phàm trần. Ngài đã hạ lệnh xây am, dựng tượng thờ Phật để tu hành.

Cũng vào thời điểm đó, thượng hoàng với tầm nhìn xa trông rộng đã nhận ra địa thế hiểm yếu của khu vực núi rừng Ninh Bình, liên thông được đến hành cung Thiên Trường ở Nam Định. Hơn thế với hệ thống núi đá vôi dày đặc, rừng cây rậm rạp dễ phòng thủ, đây rõ ràng là nơi đắc địa để xây dựng một cứ điểm phòng thủ lâu dài, có thể dễ dàng rút quân từ Thăng Long, Thiên Trường về theo đường sông trong trường hợp bị truy kích.

Theo lời tấu của danh sĩ Trương Hán Siêu, người Ninh Bình và là môn khách của Trần Hưng Đạo, người có học vấn uyên thâm ở thời đó, các vua triều Trần đã chiêu mộ dân lưu tán khai hoang lập ấp, tiến hành sản xuất nông nghiệp, tôn tạo những nơi xung yếu.

Thế là, từ một vùng rừng núi hoang vu, hành cung Vũ Lâm được xác lập là một căn cứ địa quan trọng để tích lũy lương thảo, rèn luyện quân binh sẵn sàng ứng phó với quân xâm lược Nguyên Mông.

Trong nhiều trận chiến với Đại Việt, vó ngựa của quân Nguyên Mông vốn chỉ quen chinh chiến nơi thảo nguyên rộng lớn đã bị khóa chân tại căn cứ Vũ Lâm của vua tôi nhà Trần.

Hiện nay vẫn còn khá nhiều di tích và địa danh dọc sông như làng Hành Cung nơi vua ở, làng Tuân Cáo là nơi các quan vào trình báo vua, cánh đồng Trường Thi là nơi quân tập trận, Bến Thánh là bến thuyền tập kết thủy quân, làng Thiện Trạo là nơi có những tay trèo giỏi, làng Hạ Trạo là nơi gác mái chèo khi vào đến Hành Cung.

Chốn Bồng Lai tiên cảnh

Ngoài vị trí chiến lược cơ động ra bắc vào nam, khu vực hành cung Vũ Lâm còn là nơi có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp. Trần Thái Tông đã ví nơi đây với chốn non tiên.

Thủy thức Bồng Lai nguyên bất viễn,
Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần.
(Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai đâu có xa;
Ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần).

Nơi xuất gia tu Phật đầu tiên của vua Trần Nhân Tông

Vũ Lâm là nơi xuất gia tu Phật đầu tiên của vua Trần Nhân tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thượng hoàng đến Vũ Lâm vào chơi hang đá, cửa núi đá hẹp, thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền” Thời gian này vào khoảng tháng 7 năm Giáp ngọ (1294).

Sang năm Ất mão (1295) Đại Việt sử ký toàn thư tờ 540 lại ghi: “Mùa hạ, tháng 6, thượng hoàng về kinh sư. Đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, lại trở về vậy”.

Sách “Khâm định đại Việt sử thông giám cương mục” cho biết rõ hơn là hành cung Vũ Lâm ở huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình: “ở đây núi non trùng điệp, trong ruột núi có hang, chu vi núi non rộng đến vài mươi mẫu, bên ngoài có con sông nhỏ quanh co khuất khúc, thông vào núi, thuyền nhỏ có thể chở vào được”

Mô tả về hành cung Vũ Lâm, trong bài thơ Vũ Lâm thu văn (chiều thu ở Vũ Lâm). Trần Nhân Tông đã viết:
Lòng khe in ngược bóng cầu treo
Hắt sang bờ khe vệt nắng tà
Lặng lẽ ngìn non, rơi lá đỏ
Mây giăng như mộng tiếng chuông xa.

2. Sông Bến Hải: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

Sông Bến Hải hay Rào Thanh là một con sông tại miền Trung Việt Nam, bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17° Bắc, từ Tây sang Đông rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng.

Bến Hải là một địa danh ở thượng lưu sông, nên tên sông Bến Hải lấy từ địa danh này.

Nếu như hành cung Vũ Lâm lưu dấu một trận chiến xa xưa, thì sông Bến Hải lại lưu giữ những kỷ niệm gần đây thôi, một điều quá nặng, quá sâu, quá nhiều nội hàm cảm xúc qua bốn chữ: Vĩ tuyến 17. 

Sông Bến Hải được biết đến nhiều nhất vì vị trí chia cắt hai miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) và Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.

Về mặt địa lý thì sông nằm nhích xuống phía Nam vĩ tuyến 17. Hiệp định Genève quy định đây là giới tuyến phi quân sự tạm thời vào năm 1954.

Ngày nay, bạn có thể đến cột cờ giới tuyến và cầu Hiền Lương tại Quảng Trị để ngắm dòng Bến Hải hiền hòa sau những thăng trầm của lịch sử.

Ai có thể nhớ, ai có thể quên, quên điều chi, nhớ điều gì, đều nằm trong tâm mỗi con người đã trải qua cuộc chiến…

3. Sông Hương: cố đô huy hoàng   Từ Bằng Lãng đến cửa sông Thuận An, sông Hương dài 33 km. Khi chảy quanh dọc chân núi Ngọc Trản, sắc nước sông Hương xanh hơn – đây là địa điểm Điện Hòn Chén.

Sông Hương chảy chầm chậm qua các làng mạc như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh. Nó từng là nguồn cảm xúc của người tới khi đi thuyền dọc theo sông để nhìn ngắm phong cảnh và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống.

Nhiều người luôn gắn liền sự thanh bình, thanh lịch và cảnh vật đẹp đẽ của Huế với dòng sông Hương. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình cũng được coi là những biểu tượng của Huế, Huế thường được ví như là “Vùng đất của sông Hương và núi Ngự”.

Nơi trăm dòng hợp phái, vạn nhánh quy về: đất đại quý

Tính từ nguồn ra biển, sông Hương chỉ dài khoảng 100km, nhưng “kích thước lịch sử” của con sông này lại lớn hơn rất nhiều lần con số ấy – bởi các biến cố trọng đại xảy ra ở đôi bờ.

Về vị trí phong thủy, sông Hương được chọn làm Minh đường của kinh thành Huế, là nơi “trăm dòng hợp phái, vạn nhánh qui về” (bách xuyên hợp phái – vạn hác triều tông) như vua Thiệu Trị ca ngợi. Sách địa lý Tả Ao: “Trường thủy sở dẫn, trường sơn sở tòng, chân thị đại quý chi địa” (nước dài dẫn lối, núi dài chạy theo, thực là đất đại quý).

Phong thủy Sông Hương

Theo sách Cao Trung luận:

Khi nước chảy chiều nào thì sơn mạch đi chiều đó nên gọi là nước dài dẫn lối. Đó là điêù kiện nước tốt. Nếu có “dãy núi dài dài” đi theo “nước dài” nữa là điều kiện tốt thứ hai. Nếu huyệt kết ở “núi dài” theo “sông dài” và “sông dài dẫn núi dài” thì chắc là cho huyệt kết lớn. Trái lại chỉ có một dòng nước nhỏ dẫn lối và một chi sơn nhỏ đi theo thì chỉ là tiểu địa”.

Đã có những cuộc đất “đại quý” được các nhà địa lý chọn xây lăng mộ cho các vua Nguyễn.

Cũng có ngọn đồi thiêng của vương triều như đồi Hà Khê, hoặc núi Ngọc Trản bên dòng. Ngay cả màu nước sông Hương cũng được Quốc sử quán triều Nguyễn chép đến:

Hồi đầu quốc triều ta, nước sông Hương đã chuyển sang màu đỏ và đục ngầu trong biến cố năm Giáp Ngọ 1774” – là năm tướng Hoàng Ngũ Phúc từ phía Bắc kéo quân Trịnh tràn vào đánh chiếm Thuận Hóa, đẩy chúa Nguyễn chạy lánh về đất phương Nam. Rôì cũng dòng Hương giang ấy lại xanh trong tuyệt vời vào “mùa hè năm Tân Dậu 1801 lúc đại binh (của chúa Nguyễn Phước Ánh) tái chiếm lại thành đô – thiên hạ đều cho nước sông đổi màu là điềm thái bình vậy” (Đại Nam nhất thống chí).

4. Sông Hoài: đô thị ven sông xưa cổ kính và giản dị

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua Hội An.

Không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp Hội An, những câu chuyện lịch sử còn được kể lại bởi những người lái đò. Cùng tiếng mái chèo khỏa nước giữa không gian yên bình, ấn tượng về miền đất phố cổ bình yên trong mỗi người cứ dào dạt cùng sóng nước…

Hội An: Một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị cảng xưa

Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18.

Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển.

Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo.

Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa.

Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú.

Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển.

Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị, là niềm tự hào của quá khứ được vinh danh…

Thay lời kết: Hoàng Long soi bóng người trung nghĩa, để lại nghìn thu một tấm lòng

Đại Kỷ Nguyên thay lời kết của Hương Sắc Việt Nam kỳ này bằng những vần thơ nói về Hoa Lư, Tràng An của nhà thơ Hoàng Quang Thuận:

Thiên Hương tiên động ngày xưa ấy
Mây trời ao nước đã đong đầy
Ngàn năm thế sự bao thay đổi
Còn lại ngang trời một cánh  mây 

(Động Thiên Hương- Hoa Lư thi tập)

Cõi đời nước mắt có đầy vơi
Độ thế chúng sinh giữa đất trời
Lục trí thần thông an đế nghiệp
Ngàn năm tỏa sáng mãi không thôi

(Thiền sư Minh Không)

Hà Phương Linh


Hương sắc Việt Nam là món quà của ban biên tập Văn hóa-Nghệ thuật Đại Kỷ Nguyên dành tặng những người con đất Việt gắn bó với văn hóa truyền thống nên thơ của nước nhà và mong muốn vẻ đẹp này được lưu giữ mãi không phai với thời gian…

Xem thêm: