Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa cán mốc vốn hóa 100 tỷ USD khi có tới 20 mã có giá trị thị trường từ 1 tỷ USD trở lên.

Thị trường Việt Nam đã ghi nhận kỷ lục về giá trị giao dịch trong phiên giao dịch ngày 7/11/2017 với hơn 20.000 tỷ đồng trên HoSE, con số cao nhất đạt được từ trước tới nay.

Không chỉ ghi nhận kỷ lục về giá trị giao dịch, phiên 7/11 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi vốn hóa toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên HoSE cán mốc 2,26 triệu tỷ đồng, tương đương 100 tỷ USD, con số cao nhất trong 17 năm hoạt động.

Mặc dù chỉ số VnIndex hiện mới ở mức 850 điểm và vẫn còn kém xa kỷ lục 1.170 điểm đạt được năm 2007 nhưng giá trị vốn hóa đã bỏ xa.

Việc các doanh nghiệp “kỳ cựu” trên sàn như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Hòa Phát…tăng trưởng mạnh về quy mô trong những năm qua, cũng như có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn trong những năm gần đây như Sabeco, Habeco, Vietjet Air, Thế giới di động, VPBank, Petrolimex hay mới nhất là Vincom Retail đã giúp vốn hóa thị trường tăng nhanh.

Trong các doanh nghiệp đang niêm yết, Vinamilk có vốn hóa lớn nhất thị trường với 229 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD.

Các công ty có vốn hóa lớn tiếp theo là Sabeco với 8,1 tỷ USD, Vingroup với 7,2 tỷ USD và Vietcombank với 6,7 tỷ USD.

Nếu tính thêm vốn hóa của sàn Hà Nội và UPCom, quy mô vốn hóa của toàn thị trường Việt Nam hiện lên tới 3 triệu tỷ đồng, tương đương 132 tỷ USD và bằng khoảng 61% GDP.

Mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán được chính phủ phê duyệt là tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP vào năm 2020.

Bên cạnh việc thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn, tính từ đầu năm tới nay, chỉ số VnIndex cũng có mức tăng trưởng khoảng 28% và lọt top 10 thị trường tăng trưởng mạnh nhất Thế giới.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng hơn 21.000 tỷ đồng trên thị trường Việt Nam kể từ đầu năm 2017 và điều này góp phần quan trọng giúp thị trường bứt phá.

Quang Minh (th)