Theo nghiên cứu mới của ngân hàng Deutsche Bank, xác suất xảy ra khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc lớn gấp đôi các nền kinh tế khác trên toàn cầu.

Trang BI ngày 11/12 dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank khu vực châu Á-Thái Bình Dương Michael Spencer cảnh báo khả năng xảy ra khủng hoảng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lên đến 13%. Theo ông Spencer, xác suất này lớn gần gấp đôi các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tương tự như phần lớn các cuộc thảo luận về nguy cơ khủng hoảng tài chính tiềm tàng ở Trung Quốc, mối lo ngại của Deutsche Bank tập trung vào khối lượng nợ khổng lồ của đại lục đã tăng vọt cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế trong vài thập kỷ qua.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc lớn gấp đôi các nền kinh tế lớn khác

“Từ năm 2008, tỷ lệ nợ của các tập đoàn phi tài chính, hộ gia đình và chính phủ Trung Quốc đã tăng lên hơn 100% GDP. Gánh nặng nợ càng cao sẽ càng gây áp lực cho sự ổn định tài chính”, ông Spencer viết.

Vị chuyên gia này cho biết thêm: “Việc nới lỏng chính sách tiền tệ từ năm 2013 đã kéo theo tổng nợ tăng lên chóng mặt. Các khoản nợ vay phi tài chính đạt 255% GDP vào cuối năm ngoái”.

Kết quả, Trung Quốc đang có nguy cơ trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, ông Spencer lưu ý khả năng xảy ra khủng hoảng ở đại lục thấp hơn nhiều so với xác suất được tính cho một số quốc gia trong cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu giai đoạn 2009-2014 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối năm 1990.

“Thặng dư tài khoản vãng lai đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ khủng hoảng ở Trung Quốc. Nếu tài khoản vãng lai bị thâm hụt 2% GDP trong năm 2016 thay vì thặng dư gần 2% thì khả năng xảy ra khủng hoảng sẽ cao hơn 7%”, ông Spencer cho biết.

Tuần trước, Qũy Tiền tệ Thế giới (IMF) đã cảnh báo mức nợ cao trong nền kinh tế Trung Quốc và sự phụ thuộc vào tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng của nước này có thể gây cú sốc tài chính, đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu. Theo IMF, Trung Quốc nên ưu tiên ổn định tài chính hơn là các mục tiêu tăng trưởng và cần thành lập một cơ quan chuyên trách ổn định tài chính, hối thúc các ngân hàng tăng vốn để sẵn sàng ứng phó nguy cơ suy thoái kinh tế đột ngột.

Nguyễn Trang