Trong kỳ tính thuế mới đây, Bộ Tài chính đã gộp cả sản lượng xăng với mức thuế điều tiết của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào công thức tính thuế bình quân gia quyền giúp giảm thuế, hạ giá thành.

Theo công thức tính mới này, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 20/10 vừa qua, thuế bình quân gia quyền với xăng chỉ còn 8,56%, dầu diesel còn 2,15% – mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, thị trường có thuế nhập khẩu thấp nhất hiện nay là Hàn Quốc ở mức 10%.

Theo công thức, mức thuế bình quân gia quyền sẽ phụ thuộc vào sản lượng và mức thuế nhập khẩu xăng dầu của Hàn Quốc, ASEAN và hiện tại là cả lọc dầu Dung Quất. Cách tính thuế như trên giúp 2 đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Cụ thể, khi mức thuế trung bình giảm sẽ khiến giá giảm giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Bên cạnh đó, khi mức thuế xăng dầu trong nước thấp hơn thuế xăng dầu nhập khẩu, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ chuyển sang nhập hàng từ Dung Quất, giúp nhà máy này thoát cảnh hàng tồn.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo lắng tới vấn đề khi dung quất chưa thể đáp ứng đủ 100% dung lượng thị trường, các doanh nghiệp vẫn phải nhập xăng từ nước ngoài. Trong hoàn cảnh đó, thuế nhập khẩu xăng dầu tại thị trường ASEAN và Hàn Quốc đều đang ở mức trên 10% sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu chịu thiệt.

Ngược lại, nếu không tính sản lượng xăng dầu của Dung Quất vào công thức tính thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ có lợi nhưng người tiêu dùng sẽ bị thiệt vì lúc này thuế suất bình quân để tính giá sẽ vượt qua ngưỡng 10%.

Nhiều chuyên gia cho rằng cách tính thuế theo bình quân gia quyền như hiện nay là tương đối phức tạp và khó hiểu. Thêm vào đó, tới năm 2018, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ đi vào vận hành thương mại, giống như Dung Quất, công thức tính của cơ quan quản lý sẽ phải bổ sung thêm nguồn nhập này.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ – cho rằng cách tính thuế hiện nay mặc dù có lợi cho người tiêu dùng nhưng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, ông đề xuất bỏ giá cơ sở, thay vào đó là đưa ra khung giá cho doanh nghiệp tham khảo, đồng thời đưa tất cả mức thuế chung về 10% với xăng và 0% với dầu nhằm đảm bảo tính minh bạch trong khi người tiêu dùng và doanh nghiệp đều có lợi”.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối phía Nam thừa nhận mỗi lít xăng nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp bị thiệt hại gần 2% thuế suất. Còn với xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN thì phần thiệt hại lên tới gần 12%. Vị đại diện này cũng hy vọng cơ quan quản lý cần sớm điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với sản phẩm nhập từ một số thị trường trong ASEAN. Điều này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng về giá mà còn tránh tình trạng doanh nghiệp thấy giá cao, giảm nhập khẩu, thu hẹp quy mô kinh doanh, dẫn đến khan hàng, gây bất ổn thị trường.

Thu Nguyễn