Những thành công “thần kỳ” của Jack Ma đã đưa tập đoàn Alibaba thành một cái tên lớn, trở thành thần tượng của giới trẻ. Nhưng ít người biết được, đằng sau ánh hào quang ấy là cả một khoảng tối của kinh tế Trung Quốc.

Sự bảo trợ của chính phủ

Để tránh việc các công ty trong nước bán mình cho nước ngoài do không đủ năng lực cạnh tranh, từ năm 2010 chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào việc tạo điều kiện cho các công ty trong nước phát triển. Chính nhờ các chính sách bảo hộ này, nhiều công ty như Alibaba đã được hưởng lợi.

Trung Quốc sau khi thực hiện chiến lược “bàn tay sắt”, hàng loạt các đối thủ trực tiếp của Alibaba như Google, Facebook và Twitter đã bị cấm hoạt động với nhiều lý do khác nhau. Alibaba thảnh thơi rộng đường phát triển tại thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những thương vụ trị giá hàng nghìn tỷ USD giữa các cơ quan chính phủ với Taobao và Tmall đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho Alibaba, từ đó thúc đẩy tốc độ phát triển của công ty này lên mức chóng mặt. Trong bất kỳ mảng kinh doanh nào, Alibaba cũng đều nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ của chính phủ trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Alibaba đã nhanh chóng phát triển và trở thành một “hiện tượng” của ngành thương mại điện tử.

Alibaba phát triển nhanh phần lớn nhờ sự bảo trợ của chính quyền

Là trung tâm bán hàng giả lớn nhất thế giới

Ngày 14/5/2016, Liên minh Quốc tế chống Hàng giả (IACC) đã đình chỉ tư cách hội viên của công ty thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc sau khi nhiều công ty hội viên cho rằng Alibaba là nơi bán hàng giả lớn nhất thế giới.

Quyết định trên của IACC được đưa ra sau khi hàng loạt công ty trong đó có Gucci America, Michael Kors và Tiffani rút khỏi liên minh để phản đối sự hiện diện của Alibaba.

Nhiều người chỉ trích Alibaba cho rằng các website của Alibaba tràn ngập hàng giả, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty sản xuất, gây thiệt hại cho những người tiêu dùng, và hỗ trợ cho những hoạt động rửa tiền của các tổ chức tội phạm.

Trước đó, tháng 1/2015, Ủy ban Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC) cũng đã công bố Sách Trắng chỉ đích danh Alibaba buôn bán hàng giả, hối lộ trong nhiều vấn đề kinh doanh.

Sau vụ khủng hoảng đó, Alibaba đã mất 30 tỷ USD vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, nhờ sự bảo hộ của chính phủ, Jack Ma đã nhanh chóng vượt qua cơn sóng gió, khi SAIC sau đó đã xóa Sách Trắng và nhượng bộ Alibaba.

Điểm mạnh có thể trở thành điểm yếu

Theo phân tích của các chuyên gia, việc nhiều quan chức Trung Quốc có cổ phần hoặc “chống lưng” tại Alibaba vừa là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm chí mạng của tập đoàn này.

Nếu chẳng may một ngày nào đó, một trong số những quan chức này gặp khủng hoảng về vấn đề chính trị, chắc chắn Alibaba cũng không thể thoát khỏi liên can.

Ngoài ra, sự thành công của Alibaba là do sự hỗ trợ rất nhiều từ phía chính phủ Trung Quốc, do đó tập đoàn này ít nhiều vẫn bị kiểm soát. Nếu như mục đích chính trị không như mong đợi của giới quan chức, thành công của Alibaba có thể lụi tàn bất cứ lúc nào.

Diệu Thu (tổng hợp)