Một câu chuyện lạ lùng nhưng có thật đã xảy ra trong nhà tôi sau cái chết của chú mèo nuôi, minh chứng cho mối liên kết sâu sắc giữa con người và động vật. Sợi dây liên kết tình cảm, thậm chí tâm linh, giữa con người và động vật đã xuất hiện dưới nhiều dạng thức đáng kinh ngạc.

Câu chuyện kỳ lạ

Cái chết của con mèo nhà tôi, tên Persephone, là cú sốc quá lớn đối với gia đình, nhưng người đau khổ nhiều nhất chính là cô con gái 12 tuổi của tôi, Gabrielle. Cô bé yêu quý Persephone nhiều như bất cứ ai khác, vì cháu đã từng lớn lên cùng nó, và cả hai thường ngủ chung trên giường.

Tác giả Michael Jawer kể về câu chuyện về chú mèo của ông, Persephone. (Ảnh: emotiongateway.com)
Tác giả Michael Jawer. (Ảnh: emotiongateway.com)

Trên giường cô bé còn có một người bạn đồng hành khác, “Daddy Hoo Hoo”, chú khỉ đột nhồi bông của Gabrielle. Chú khỉ đột Daddy Hoo Hoo (hay DDHH) có kích cỡ ngang bằng với Persephone, và giống như chú mèo này, nó có bộ lông mượt và đen. Gabriella ôm lấy chú khỉ đột để tìm kiếm sự an ủi trong khi tôi bắt đầu chôn cất Persephone. Tôi ôm chú mèo trong tay trong lúc chúng tôi nói lời cầu nguyện cuối cùng cho người bạn bé nhỏ. Sau đó, Gabrielle đi ngủ, và cầm chú khỉ theo.

Buổi sáng ngày hôm sau, chú khỉ đột rõ ràng đã biến mất khỏi chiếc giường của Gabrielle. Chúng tôi nghĩ có lẽ chú đã rơi khỏi giường (một việc xảy ra khá thường xuyên) nhưng không có dấu hiệu cho thấy chú nằm trên sàn nhà, trong tấm ga trải giường, trong cái khe giữa chiếc giường và bức tường, hay bất kỳ nơi nào khác trong phòng con gái tôi.

Trong vòng 5 ngày tiếp theo, vợ tôi đã lùng sục khắp ngôi nhà để tìm chú khỉ đột mất tích. Gabrielle đã cố gắng nhớ lại xem cháu có thể đã bỏ quên chú khỉ ở đâu, và chúng tôi đã kiểm tra tất cả những nơi đó. Nhưng không có dù chỉ một dấu vết!

Một vài đêm kế tiếp, vợ tôi thường đến bên giường an ủi Gabrielle trước khi cô bé đi ngủ. Vợ tôi nói rằng có lẽ chú khỉ đột đã đi theo Persephone tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Gabrielle tỏ ra khá đồng tình với câu chuyện kể trên, nhưng vẫn khẳng định chắc nịch rằng: “Con cần nó ở bên cạnh”.

Buổi sáng hôm sau, tôi bước vào phòng con gái và đánh thức cháu dậy để chuẩn bị cho chuyến cắm trại. Tôi ngồi bên giường cô bé, và đúng vào lúc cháu tỉnh dậy, tôi chợt nhìn thấy một chú khỉ đột nhồi bông trên mặt sàn, ngay bên cạnh chân tôi. “Daddy Hoo Hoo!” con bé reo lên thích thú.

Điều này thật kỳ lạ vì chắc hẳn một trong hai chúng tôi đã phải nhìn thấy chú khỉ đột nếu nó được đặt tại một vị trí quá hiển nhiên ở ngay bên cạnh giường ngủ.

Giải thích theo cận tâm lý học

Khi suy nghĩ về điều này, tôi chợt nhớ đến một thuật ngữ trong lĩnh vực cận tâm lý học: “apports”. Apports là một hiện tượng trong đó các món đồ gia dụng đột nhiên biến mất và xuất hiện lại trong ít nhất một vài trường hợp poltergeist (poltergeist: hồn ma ồn ào; là thuật ngữ chỉ một chủng loại tinh linh hoặc hồn ma có khả năng tạo ra tiếng động, sự dịch chuyển hoặc phá hủy vật thể). Những trường hợp apport thường mang ý nghĩa biểu tượng hoặc cảm xúc đối với những người có liên quan.

Cụ thể trong trường hợp chúng tôi, dù không có sự hiện hữu của poltergeist, nhưng có lẽ “Daddy Hoo Hoo” đã tượng trưng cho Persephone—do đó sự vắng mặt của chú khỉ nhồi bông có ý nghĩa tương tự với sự vắng mặt của chú mèo Persephone, và chỉ sau khi Gabrielle khẳng định rằng cô bé cần chú khỉ quay lại thì nó mới tái xuất hiện.

Một trong số ít những người tôi đã chia sẻ câu chuyện trên vào lúc đó là bác sĩ thú y Michael Fox, tác giả của chuyên mục “The Animal Doctor” trên tờ Washington Post. BS Fox đã liên hệ trường hợp này với khái niệm “empathosphere” (tạm dịch: trường giao cảm) do ông nghĩ ra, được ông định nghĩa là một “trường cảm xúc vũ trụ có khả năng đột phá giới hạn của thời gian-không gian”.   

Bác sĩ thú y Michael Fox (Ảnh: poconorecord.com)
Bác sĩ thú y Michael Fox (Ảnh: poconorecord.com)

Đối với trường hợp những con thú nuôi có thể vượt qua một chặng đường dài để tái ngộ với người chủ của mình, BS Michael Fox cho rằng nguyên nhân là do sự tồn tại của một trường giao cảm, từ đó làm dấy lên giả thuyết cho rằng các loài động vật có khả năng thấu cảm mạnh mẽ hơn con người, và có thể tiến nhập vào trường cảm giác tự nhiên này dễ dàng hơn con người.

BS Fox cho rằng những loài động vật có vú có thể cảm nhận các sự việc mạnh mẽ hơn con người chúng ta, và niềm tin này đã nhận được sự ủng hộ của ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu.

Như đã được tôi phân tích trong một bài viết khác với tựa đề “Phải chăng các loài động vật cảm thụ mãnh liệt hơn chúng ta?”, những loài động vật có vú khác dường như có sở hữu một dạng ý thức đơn thuần hơn chúng ta, vì chúng không biến đổi các trải nghiệm của mình qua bộ lọc ngôn ngữ, với tất cả sự gợi tưởng mà ngôn ngữ có thể đem lại. Trong khi động vật có xu hướng cảm thụ tất cả mọi thứ “bằng da bằng thịt” (cảm thụ các cảm xúc phấn khích, sợ hãi, cảnh giác, thương yêu, hài lòng, buồn chán, khó chịu… một cách trực diện), thì con người chúng ta —ít nhất đối với những người trưởng thành— thường có xu hướng diễn giải các cảm xúc theo ý muốn của bản thân hoặc phớt lờ chúng trong quá trình công tác hay trong một xã hội vốn rất chú trọng đến yếu tố văn minh lịch sự.

Động vật dường như có sức cảm thụ mãnh liệt hơn con người. (Ảnh: Viralscape)
Động vật dường như có sức cảm thụ mãnh liệt hơn con người. (Ảnh: Viralscape)

Trường giao cảm cũng được miêu tả bằng một số thuật ngữ khác.

  • Telesomatic (tạm dịch: Giao cảm thể chất) là một thuật ngữ được đặt ra bởi bác sĩ tâm lý Berthold Schwarz (và được phổ biến bởi tác giả Larry Dossey). Telesomatic được dùng để ám chỉ khả năng cảm nhận được đồng thời nỗi đau của một người thân ở khoảng cách xa, dù không ý thức được rằng người đó đang phải chịu đựng đau khổ.
  • Psychesphere (tạm dịch: trường tâm lý) là một khái niệm tương tự (với trường giao cảm) của TS Bernard Beitman, bác sĩ tâm lý từ trường Đại học Virginia, Mỹ. Ông nhìn nhận trường tâm lý như “một thứ gì đó giống bầu khí quyển của chúng ta—nó bao quanh chúng ta và vận chuyển liên tục. Chúng ta hít vào khí ôxi, khí nitơ và hơi nước; rồi thở ra khí CO2, khí nitơ, và nhiều hơi nước hơn… Suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta góp phần tạo nên trường tâm lý và trường này cũng ảnh hưởng ngược lại”.

Xem thêm:

Ở những tình huống tương tự như trải nghiệm của con gái và gia đình tôi, tôi cảm thấy lôi cuốn với mối liên hệ mật thiết của họ với các cảm xúc — không chỉ là các loại cảm xúc bề mặt hay những cảm xúc thoáng qua nhanh chóng, mà là những cảm xúc sâu sắc tạo nên sự liên kết giữa người với người, hoặc giữa người chủ với vật nuôi.

Như tác giả Larry Dossey đã chỉ ra, những trường hợp thần giao cách cảm dạng telesomatic “hầu như đều xuất hiện giữa những người có một sự liên kết thấu cảm, thương yêu nhau — cha mẹ và con cái, vợ chồng, anh chị em và người yêu”. Những trải nghiệm này xuất hiện một cách hoàn toàn bất ngờ; và khi chúng xảy ra, chúng có thể lay chuyển ngay cả những người hoài nghi nhất.

Một ví dụ như vậy đã được đưa ra thảo luận gần đây bởi tác giả Michael Shermer; một người có thế giới quan (như được miêu tả trong cuốn sách “Tại sao con người tin vào những điều kỳ dị”) vốn không thể chấp nhận bất kỳ hiện tượng bí ẩn nào trước đó. Trong một bài viết trên trang Scientific American với tựa đề “Những biến cố kỳ lạ có thể lay chuyển sự hoài nghi của tất cả mọi người”, ông Shermer đã miêu tả một trải nghiệm quái gở đến mức chỉ có thể xảy ra với xác suất 1:1.000.000, hoặc vì có liên hệ với những cảm xúc sâu sắc của người trải nghiệm.

Tiến sĩ Michael Shermer, tác giả cuốn sách: “Tại sao con người tin vào những điều kỳ dị?” (Ảnh: photobucket)
Tiến sĩ Michael Shermer, tác giả cuốn sách: “Tại sao con người tin vào những điều kỳ dị?” (Ảnh: photobucket)

Tóm lại, đây là điều thật sự đã xảy ra. Sau khi trao nhau lời nguyện ước, ông Shermer và vợ mới cưới, cô Jennifer, tản bộ ra phía sau nhà để có có chút thời gian riêng tư bên nhau. Họ nghe thấy một bản tình ca vọng lên nhưng không biết được nguồn phát ra nó. Hóa ra tiếng nhạc bắt nguồn từ một chiếc đài bán dẫn từ những năm 1970 thuộc về người ông đã quá cố của Jennifer, người họ hàng bên nội thân nhất của cô trong quá trình cô lớn lên ở quê hương nước Đức.

Trong ngày kết hôn, “vì cách xa gia đình, bạn bè và ngôi nhà của mình đến 9.000 km, Jennifer đã cảm thấy hơi cô đơn và lạc lõng. Jennifer ao ước giá như ông nội của cô có mặt ở đó để là người trao tay cô cho chú rể”. Điều khó hiểu là, chiếc đài radio cũ kỹ mà ông Shermer không tài nào sửa được lại bất chợt “sống lại” từ đằng sau một ngăn kéo hộc bàn. Chiếc đài này đã tiếp tục phát bản nhạc trong đêm tân hôn, nhưng đã dừng lại ngay ngày hôm sau và từ đó im lặng mãi mãi.

Xem thêm:

Ông Shermer viết: “Mối liên hệ giữa những biến cố đầy sức liên tưởng này khiến Jennifer xuất hiện một cảm giác khác lạ rằng ông nội của cô đã hiện diện ở đó và tiếng nhạc là một món quà biểu thị sự chúc phúc của ông… Tôi phải thừa nhận rằng, điều này đã làm tôi chấn động… Tôi trân trọng trải nghiệm này hơn là đi giải thích nó”.

Sửng sốt là phản ứng chân thật nhất mà một người có thể có trong một tình huống như vậy. Điều này giống hệt như cảm giác của tôi và vợ khi nhìn thấy con khỉ đột nhồi bông của con gái bỗng xuất hiện trở lại trên sàn nhà, bên cạnh giường con bé. Cả hai trải nghiệm này đã mang đến những cảm xúc sâu lắng cùng một sự sự chuyến biến niềm tin, và đã khiến tôi phải cân nhắc đến những yếu tố vượt quá một sự trùng hợp đơn thuần.

Ngoài ra, không phải là vô căn cứ khi giả định rằng động vật cũng đóng một vai trò quan trọng tương tự như con người trong các trường giao cảm hoặc trường tâm lý. Tất cả các loài động vật có vú đều có những nét tương đồng rõ rệt trên phương diện cảm xúc. Tình yêu gia đình chúng tôi dành cho Persephone và tình cảm của chú mèo dành cho chúng tôi, là đặc điểm chung cốt lõi của tất cả các loài động vật có vú (có lẽ bao gồm cả các loài sinh vật khác). Tôi cho rằng những dòng cảm xúc đang chảy bên trong chúng ta đều đang kết nối chúng ta lại với nhau bằng những phương thức hữu hình và vô hình.

Tác giả: Michael Jawer, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bài gốc tại đây
Thạch Khánh biên dịch