Một vài yếu tố vô cùng bất thường liên quan đến Mặt Trăng và thủy triều đại dương đã cùng xuất hiện trước khi xảy ra vụ đắm tàu Titanic, từ đó có thể đã ảnh hưởng đến các tảng băng trôi trong vùng biển con tàu khổng lồ này đi qua.

“Tất nhiên, nguyên nhân căn bản của vụ tai nạn là do con tàu đã đâm phải một tảng băng trôi. Tàu Titanic đã không giảm tốc độ kịp thời, ngay cả sau khi nhận được một số điện tín cảnh báo về tảng băng phía trước”, Nhà vật lý học Donald Olson đã chia sẻ trên thông cáo báo chí của trường Đại học Bang Texas vào năm 2012, nơi ông và các nhà nghiên cứu khác đã tiến hành phân tích vai trò của Mặt Trăng trong vụ đắm tàu.

Các thủy thủ đoàn đã phóng hết tốc lực vào vùng biển có nhiều tảng băng trôi – đây thực sự là nguyên nhân đắm tàu, nhưng mối liên hệ với âm lịch có thể giải thích tại sao một số lượng lớn bất thường các tảng băng trôi lại lọt vào hành trình của tàu Titanic”.

Sự trùng hợp

Vào ngày 4/1/1912, Mặt Trăng tiếp cận gần Trái Đất nhất trong vòng 1.400 năm trở lại và nó đạt đến điểm này trong vòng vài phút vào lúc trăng tròn; điều này có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các con sóng thủy triều đại dương. Trái Đất cũng ở vị trí gần Mặt Trời nhất vào đúng hôm trước, đồng thời sắp thẳng hàng với Mặt Trăng và Mặt Trời và tạo nên triều cường. Triều cường xảy ra vào lúc trăng non hoặc trăng tròn, khi Trái Đất và Mặt Trăng, Mặt Trời ở vị trí thẳng hàng sẽ tạo nên một lực hấp dẫn cực mạnh và khi đó sẽ xuất hiện hiện tượng triều cao hoặc triều thấp.


(Ảnh: bachkhoatrithuc.vn)

Trường Đại học bang Texas đã miêu tả sự hội tụ này là “sự kiện nghìn năm có một”. Tàu Titanic đã chìm bốn tháng sau đó. Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn liệu thủy triều đã dịch chuyển những tảng băng trôi vào đường đi của tàu Titanic hay không, tuy nhiên họ nói rằng đã có một số lượng lớn bất thường các tảng băng trôi ở khu vực biển này vào thời điểm đó và có khả năng các hiện tượng liên quan đến Mặt Trăng là yếu tố chịu trách nhiệm.

Một yếu tố nữa của Mặt Trăng góp phần gây nên vụ đắm tàu là: vào cái đêm ngày 14/4/1912, trời không trăng, vì vậy nhân viên trên tàu đã không nhìn thấy tảng băng trôi cho tới khi đã quá muộn.


(Ảnh: Shutterstock)

Mặt Trăng tác động tới thủy triều như thế nào

Karen Masters là một nhà thiên văn học tại Viện nghiên cứu Vũ trụ học và Trọng lực, thuộc trường Đại học Portsmouth, Anh. Bà giải thích cách Mặt Trăng tác động tới thủy triều trên trang web “Ask an Astronomer” (Đặt câu hỏi cho nhà thiên văn) của trường Đại học Cornell, Mỹ.

“Sự hiện diện của Mặt Trăng đã làm biến dạng Trái Đất một chút, và bởi vì nước trong đại dương di chuyển dễ dàng hơn rất nhiều so với nước trên lục địa, nên chúng ta hầu như chỉ có thể quan sát sự biến dạng của Trái Đất dưới dạng thức các con sóng thủy triều (nhưng thủy triều ở lục địa cũng chuyển động một chút). Lực hấp dẫn trở nên càng yếu hơn khi Trái Đất cách càng xa Mặt Trăng… nên khu vực Trái Đất gần nhất với Mặt Trăng chịu ảnh hưởng của lực hút nhiều hơn một chút so với khu vực trung tâm.

… Điều này cho thấy Trái Đất trở nên hơi giống hình quả trứng, và bởi chỉ có lượng nước [đại dương] nhiều như vậy chuyển động xung quanh, nên đã gây ra các đợt triều cao ở ‘đằng trước và đằng sau’ của Trái Đất (khi quan sát từ Mặt Trăng) và triều thấp ở các bên”.

Một sự trùng hợp khác có liên quan tới vụ đắm tàu Titanic

Nhà văn Morgan Robertson đã viết về vụ đắm một con tàu hư cấu được ông gọi là “Titan” trong cuốn sách “Futility” vào năm 1898, vốn mang một nét tương đồng kỳ lạ với con tàu Titanic. 14 năm sau khi cuốn sách được xuất bản, con tàu Titanic đã bị đắm trong hoàn cảnh gần như tương tự.

Tờ Buffalo News đã tổng kết những điểm tương đồng giữa hai vụ đắm tàu trong một bài viết đăng tải trên trang web của trường Đại học Buffalo, Mỹ vào năm 1998:

  • Con tàu Titan của Robertson dài 243,8m, còn con tàu Titanic dài 269 m.
  • Cả hai con tàu đều được chế tạo hoàn toàn bằng thép với ba chân vịt và hai cột buồm.
  • Mỗi tàu được thiết kế có sức chứa khoảng 3000 người.
  • Tổng trọng tải của tàu Titan là 46.328 tấn, của tàu Titanic là 45.000 tấn.
  • Công suất của tàu Titan là 40.000 mã lực, của tàu Titanic là 46.000 mã lực.
  • Mỗi tàu đều được miêu tả là con tàu chở khách lớn nhất từng được chế tạo.
  • Cả hai con tàu đều được coi là không thể bị đắm cho tới khi chúng chìm xuống lòng biển Bắc Đại Tây Dương.
  • Có quá ít thuyền cứu sinh trên cả hai con tàu.
  • Tàu Titan chạy với vận tốc 24 hải lý, tàu Titanic với vận tốc 22,5 hải lý.
  • Cả hai vụ đắm tàu đều xảy ra trong tháng Tư.
  • Cả hai con tàu đều bị mắc kẹt vào một tảng băng trôi bên mạn phải lúc gần nửa đêm.

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức hiện tại của nhân loại. Chuyên mục “Khoa học huyền bí” của thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm các câu chuyện về những hiện tượng kỳ lạ để kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Xem thêm: