Các nhà đầu tư đã bật đèn xanh cho việc khởi công dự án Kính viễn vọng Giant Magellan (GMT) thành tháp kính viễn vọng lớn nhất và chính xác nhất thế giới.

Được trang bị 7 gương phản chiếu, mỗi chiếc có đường kính lên đến 8,2m, kính viễn vọng GMT sẽ có thể chụp được hình ảnh từ những thiên hà xa xôi với độ nét gấp 10 lần kính viễn vọng không gian Hubble nổi tiếng hiện nay – mà hoàn toàn không cần rời Trái đất. Kính viễn vọng GMT được đặt trên một ngọn núi ở phía Bắc Chile.

“Kính viễn vọng GMT báo hiệu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực thiên văn. Nó sẽ tiết lộ cho chúng ta những vật thể đầu tiên phát ra ánh sáng trong vũ trụ, khám phá những bí ẩn của năng lượng tối và vật chất tối, và nhận diện những hành tinh có tiềm năng sinh sống trong các thiên hà gần Trái đất”, Giáo sư thiên văn học Wendy Freedman tại Đại học Chicago phát biểu trong một tuyên bố ngày 3 tháng 6 vừa qua.

Đợt gây quỹ mới nhất thu được 500 triệu USD trong tổng số 1 tỷ USD tổng chi phí dự án để xây dựng hạ tầng cho tháp kính viễn vọng. Công đoạn chế tạo gương phản chiếu đã được bắt đầu từ đầu năm 2012, trong những lò luyện được thiết kế riêng có thể chịu được mức nhiệt độ lên đến 1149oC, rồi chuyển sang công đoạn mài bóng một cách tỉ mỉ.

Để tránh tình trạng bị trộn lẫn những tia sáng mờ nhạt từ ngoài vũ trụ, các thấu kính của kính viễn vọng GMT cần phải đạt trạng thái cực kỳ nhẵn mịn. Người ta thường ví von rằng nếu thu nhỏ Trái đất xuống bằng quả bóng bowling, thì Trái đất sẽ nhẵn mịn hơn bóng bowling nhiều lần. Tương tự, nếu tấm gương phản chiếu của kính viễn vọng GMT được phóng to bằng chiều rộng nước Mỹ, thì vết lồi lớn nhất cũng chỉ được phép trong vòng dung sai 12,7mm.

Với khả năng quang học chưa từng có, kính viễn vọng GMT sẽ cho phép các nhà thiên văn nhìn ngược lại đến những ngày đầu tiên của vũ trụ, bao gồm các hạt ánh sáng đã du hành đến Trái đất không lâu sau Vụ nổ lớn Big Bang vào 13,8 tỷ năm trước.

Dự kiến kính viễn vọng Giant Magellan sẽ được tiếp xúc với ánh sáng vào năm 2021, và sẵn sàng đưa vào sử dụng vào năm 2024.

Tác giả: Jonathan Zhou, Epoch Times
Đọc bản gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch.

Xem thêm: