Các phản ứng hạt nhân trên sao Hỏa, Trái Đất được cho là ‘tự nhiên’, nhưng có phải vậy không?

Sao Hỏa có một mức nồng độ đồng vị khí Xenon 129 khá cao trong bầu khí quyển. Xenon 129 là một sản phẩm sinh ra từ các phản ứng hạt nhân. Bề mặt của hành tinh đỏ cũng có một trữ lượng dư thừa uranium và thorium.

Những điều kiện này rất có thể là hệ quả của hai vụ nổ hạt nhân bất thường cỡ lớn trên sao Hỏa trong quá khứ, Tiến sĩ John Brandenburg, một chuyên gia về phản lực, lập luận trong một bài báo vào năm 2014 có tựa đề “Bằng chứng của một vụ nổ nhiệt hạch khổng lồ trên sao Hỏa trong quá khứ” (Evidence of a Massive Thermonuclear Explosion on Mars in the Past).

Trên Trái Đất, ở Oklo, Cộng hòa Gabon, châu Phi, người ta đã chiết luyện mỏ quặng uranium vào năm 1972, và phát hiện thấy các điểm dị thường. Tất cả những quặng uranium trong tự nhiên đều chứa khoảng 0.7% đồng vị U235. Tuy nhiên, đồng vị U235 tại mỏ quặng Oklo lại chỉ dao động ở mức khoảng 0.6%, cho thấy đồng vị U235 ở đây đã từng bị “đốt cháy”.

Ngày 25/9/1972, trong trao đổi với Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Tiến sĩ Francis Perrin, nguyên Chủ tịch Cao ủy Năng lượng Nguyên tử Pháp, đã nói rằng một phản ứng hạt nhân đã từng xảy ra ở đây vào khoảng 1,7 tỉ năm về trước.

Tuy nhiều nhà khoa học cho rằng các phản ứng hạt nhân trên Trái Đất và sao Hỏa có thể đã xảy ra một cách tự nhiên, nhưng một số nhà khoa học khác lại không đồng tình với quan điểm trên. Nếu các phản ứng này không xảy ra trong tự nhiên, thì rất có thể một loài sinh vật thông minh—con người hoặc người ngoài hành tinh—đã tạo ra chúng.

Nếu các phản ứng này không xảy ra trong tự nhiên, thì rất có thể một loài sinh vật thông minh đã tạo ra chúng.

Ngay cả khi các phản ứng này đã xảy ra một cách tự nhiên, những hiện tượng dị thường tại đó đã làm dấy lên một câu hỏi: Liệu một phản ứng hạt nhân có thể đã xảy ra một cách tự nhiên trên Trái Đất và gây nên sự hủy diệt hàng loạt?

Lò phản ứng hạt nhân thời tiền sử?

Dưa trên các dữ liệu địa chất, người ta ước tính quặng uranium ở Oklo có niên đại vào khoảng 1,7 tỉ năm tuổi. TS Perrin cho rằng phản ứng này đã xảy ra một cách tự nhiên vào thời điểm đó, khi quặng uranium ở trong trạng thái thuần khiết nhất. Thay vì có nồng độ đồng vị U235 là 0,7% như chúng ta thấy hiện nay, có lẽ nó đã đạt khoảng 3% vào thời điểm đó.

Nước là nguyên liệu cần thiết để uranium “đốt cháy” trong quá trình phản ứng. Cách giải thích được chấp nhận rộng rãi về phản ứng tự nhiên này là nước đã xâm nhập mỏ quặng và kích hoạt chuỗi phản ứng. Nhưng để bắt đầu một phản ứng, lượng nước được dùng đến trong đó phải rất tinh khiết, cố tiến sĩ Glenn T. Seaborg nhấn mạnh.

TS Seaborg là Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ. Ông đã được trao giải thưởng Nobel cho đóng góp của ông trong lĩnh vực tổng hợp các nguyên tố nặng. Ông cho rằng phản ứng hạt nhân này không thể nào xảy ra một cách tự nhiên.

vụ nổMột công nhân đứng cạnh một dải quặng uranium đã cạn kiệt, tại Oklo, Gabon. (Ảnh: NASA)

Quan điểm của ông đã được Rene Noorbergen tóm tắt trong cuốn sách “Những bí ẩn của các chủng loài mất tích” (Secrets of the Lost Races) như sau:

Ngay cả một vài phần triệu của bất kỳ tạp chất nào cũng sẽ có khả năng “đầu độc” phản ứng, khiến nó ngừng lại. Vấn đề là không có một nguồn nước tinh khiết đến vậy tồn tại một cách tự nhiên ở bất kỳ nơi nào trên thế giới!

Quan điểm phản biện thứ hai đối với báo cáo của TS Perrin được xoay quanh chính chất uranium này. Một vài chuyên gia về kỹ thuật lò phản ứng đã nhận định rằng quặng uranium tại mỏ quặng Oklo chưa từng có đủ lượng đồng vị U235, trong lịch sử địa chất được ước tính của mỏ quặng này, nên không thể xuất hiện một phản ánh [hạt nhân] tự nhiên. Ngay cả khi giả thuyết cho rằng mỏ quặng này đã được hình thành như vậy lúc ban đầu là đúng… thì nguyên liệu phân hạch cũng chỉ chiếm 3% thành phần quặng—một mức độ quá thấp để phản ứng “đốt cháy” có thể xảy ra. Tuy vậy một phản ứng đã thực sự xảy ra tại đây, cho thấy quặng uranium nguyên gốc giàu đồng vị U235 hơn rất nhiều so với trong giả thuyết được hình thành tự nhiên.

Các vụ nổ trên sao Hỏa

Trường hợp của Oklo thường được viện dẫn trong những cuộc tranh luận cho rằng các phản ứng hạt nhân trên sao Hỏa có thể từng là một hiện tượng tự nhiên.

Nhưng TS Brandenburg đã xem xét và bác bỏ cách giải thích mang tính “tự nhiên” này.

Ông cho rằng Xenon 129 trên sao Hỏa có thể là sản phẩm của một quá trình hạt nhân chứ không phải phân đoạn khối (mass fractionation – là quá trình xảy ra trong tự nhiên: số lượng nhất định một đồng vị hoặc một chất khác được phân tách ra khỏi hỗn hợp trong một giai đoạn chuyển tiếp).

Bầu khí quyển của một hành tinh có thể hao mòn theo thời gian, đặc biệt ở những nơi không có từ trường mạnh, như trên sao Hỏa. Khi đó, các đồng vị nhẹ hơn ở trên cùng sẽ bị thất thoát nhiều hơn so với các đồng vị nặng, dẫn đến sự gia tăng các đồng vị nặng hơn.

“Tuy nhiên, trên sao Hỏa, bất kể quá trình nào đã làm xáo trộn… các đồng vị sẽ khiến các đồng vị nhẹ hơn tương đối nhiều hơn các đồng vị nặng hơn. Điều này đòi hỏi một quá trình [phản ứng] hạt nhân thay vì quá trình phân đoạn khối”, ông đã viết.

phản ứng hạt nhân cổ đại trên Trái Đất và sao Hỏa
Sao Hoả (Ảnh: Internet)

Nếu các vụ nổ xảy ra một cách tự nhiên, thì chúng ta sẽ nhìn thấy các miệng hố lớn trên bề mặt sao Hỏa, TS Brandenburg nhận định. Thay vào đó, ông cho rằng các vụ nổ đã xảy ra do các thiết bị tổng hợp-phân hạch lớn trong không khí với thiết kế tương tự như trên Trái Đất.

Ông giải thích cách thức các thiết bị trên Trái Đất sản sinh Xenon 129: “Để gia tăng sức mạnh của một quả bom hydro, vỏ bom thường được làm bằng uranium 238 hoặc thorium. Như vậy, chỉ một lượng nhỏ Xenon 129 sẽ được sản sinh ra trong phản ứng phân hạch bình thường, nhưng trong một vụ nổ bom hydro, nó sẽ được sản sinh với số lượng lớn”.

Ông đã phân tích các mô hình phân bổ uranium và thorium trên bề mặt sao Hỏa và kết luận rằng chúng tương thích với các vụ nổ tập trung tại hai điểm.

Tiến sĩ David Beaty, Giám đốc Chương trình Khoa học sao Hỏa tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, đã trao đổi với kênh Fox News rằng ông khá hứng thú với các giả thuyết của TS Brandenburg. Nhưng ông cũng nói rằng sẽ tốn một khoản tiền rất lớn để tiến hành một dự án thăm dò sao Hỏa nhằm kiểm định những giả thuyết trên.

Edward D. McCullough, một nhà tư vấn khoa học và không gian, và Harrison Schmitt, một nhà địa chất và phi hành gia đã nghỉ hưu, đều độc lập đồng ý với nhiều phần trong giả thuyết của TS Brandenburg—nhưng không đi quá xa và cho rằng những điểm dị thường này là hệ quả của các cuộc tấn công hạt nhân từ trên không của người ngoài hành tinh.

Liệu chúng ta có nên lo ngại về các phản ứng tự nhiên xảy ra trên Trái Đất?

TS Beaty đã trao đổi với kênh Fox News rằng theo giả thuyết một phản ứng hạt nhân tự nhiên có thể sẽ xảy ra trên Trái Đất trong một tỉ năm nữa, nhưng đây không phải là điều chúng ta cần quan tâm hiện nay. Bởi lẽ các điều kiện địa lý sẽ không thường xuyên biến đổi một cách đột ngột.

TS Brandenburg ước tính rằng các vụ nổ trên sao Hỏa đã xảy ra khoảng 180 triệu năm về trước. Ông cho rằng các vụ nổ này có thể đã đủ lớn để tạo ra một thảm họa mang tính toàn cầu trên sao Hỏa, và làm biến đổi khí hậu trên hành tinh đỏ.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện này. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh luận trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Xem thêm: