Bằng chứng mới gây sửng sốt về nguồn gốc của vòng tròn đá Stonehenge.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những cái hố ăn khớp trong một vỉa đá trồi lên ở xứ Wales, rất có thể là nơi xuất xứ ban đầu của các tảng đá xanh (bluestones) tại công trình cự thạch nổi tiếng vòng tròn đá Stonehenge. Điều này cho thấy các tảng đá này có thể đã được khai thác từ 500 năm trước khi chúng được dựng thành vòng tròn đá nổi tiếng hiện vẫn đang đứng sừng sững tại hạt Wiltshire, Anh.

Công trình cự thạch Stonehenge nhìn từ bên trên (Ảnh: Internet)Công trình cự thạch Stonehenge nhìn từ bên trên (Ảnh: Internet)

Phát hiện đầy ấn tượng nói trên gợi ý rằng có thể ban đầu công trình cự thạch cổ đại này đã được dựng lên ở xứ Wales rồi sau đó bị tháo dỡ, vận chuyện và tái lắp ráp tại một địa điểm cách đó 225 km trên cao nguyên Salisbury Plain.

Theo Tờ The Guardian, phát hiện này là thành quả trong một dự án của trường Đại học London (University College London – UCL), phối hợp với các trường đại học ở Manchester, Bournemouth và Southampton, cùng một số trường đại học khác, nhằm mục đích phân tích khám nghiệm các mỏ đá ở dãy núi Preseli Hills tại hạt Pembrokeshire, xứ Wales.

Từ lâu, người ta đã biết rằng đá xanh – một thuật ngữ được dùng theo nghĩa rộng để ám chỉ tất cả các loại đá ‘ngoại lai’ không có xuất xứ từ cao nguyên Salisbury Plain – bắt nguồn từ vùng tây nam xứ Wales. Tên gọi của loại đá này thực chất xuất phát từ việc nó có các hạt dolerite, một loại đá lửa có màu xanh dương khi đập vụn, cũng như các hạt fenspat (feldspar) nhỏ cùng các loại khoáng chất khác trong một hỗn hợp nóng chảy khi các phiến đá này hình thành vào rất nhiều niên đại địa chất trước đây. Gần một thế kỷ trước, vào năm 1923, nhà thạch học nổi tiếng Herbert Thomas đã có thể xác định được nguồn gốc của loại đá này là từ vùng núi Preseli Hills.

Hiện nay các nhà khảo cổ học đã có thể xác định được một loạt các hố đá trong các vỉa đá tại Carn Goedog và Craig Rhos-y-felin, nằm ở phía bắc dãy núi Preseli Hills, có kích thước, hình dạng và độ đặc trùng khớp với các phiến đá màu xanh dương tại di chỉ vòng tròn đá Stonehenge.

Bluestones at Carn Menyn in Wales (public domain) Các phiến đá xanh tại vỉa đá Carn Menyn, xứ Wales, Vương quốc Anh. (Ảnh: Wikimedia)Các phiến đá xanh tại vỉa đá Carn Menyn, xứ Wales, Vương quốc Anh. (Ảnh: Wikimedia)

Các hố đá này đã được đinh tuổi bằng phương pháp phân tích đồng vị phóng xạ carbon, dựa trên các mẫu vỏ hạt và than củi tìm thấy xung quanh các đống lửa trại của những người công nhân khai thác đá. Kết quả cho thấy chúng có niên đại từ năm 3400 TCN tại vỉa đá Craig Rhos-y-felin, và từ năm 3200 TCN tại vỉa đá Carn Goedog. Tuy nhiên, các phiến đá màu xanh dương chỉ được dựng lên ở Stonehenge từ những năm 2900 TCN, từ đó làm dấy lên câu hỏi về nguyên nhân chúng được khai thác cả thế kỷ trước khi được sử dụng trong di chỉ cự thạch nổi tiếng ở hạt Wiltshire, Anh.

“Có thể những người cổ đại vào thời kỳ Đồ đá mới (Neolithic) phải mất đến gần 500 năm để kéo lê các phiến đá này đến Stonehenge, nhưng theo quan điểm của tôi điều này quả thật không hợp lý”, GS. Mike Parker Pearson, giám đốc dự án, trao đổi với tờ The Guardian. “Một khả năng hợp lý hơn là những phiến đá này ban đầu đã được sử dụng trong một công trình địa phương, đâu đó gần các mỏ đá, rồi sau đó mới được tháo dỡ và vận chuyển đến hạt Wiltshire”.

Một giả thuyết khác được đưa ra là mốc niên đại được xác định hiện tại của di chỉ cự thạch Stonehenge là không chính xác, và trên thực tế phải cổ xưa hơn. Tuy nhiên, Giáo sư Pearson tin rằng “Có nhiều khả năng họ đã xây dựng công trình của mình ở xứ Wales, đâu đó gần các mỏ đá, và đó là công trình Stonehenge đầu tiên. Cái mà chúng ta nhìn thấy hiện nay ở vòng tròn đá Stonehenge là một công trình được dựng lại”, theo tờ The Guardian.

Reconstruction drawing of Stonehenge as it might have appeared in 1000BC by Alan Sorrell Bản vẽ dựng lại công trình Stonehenge như đã xuất hiện vào năm 1000 TCN của tác giả Alan Sorrell.Bản vẽ dựng lại công trình Stonehenge như đã xuất hiện vào năm 1000 TCN của tác giả Alan Sorrell.

Đã có rất nhiều cuộc tranh luận trong giới khảo cổ học liên quan đến cách thức những phiến đá màu xanh dương này được vận chuyển đến Stonehenge – liệu đó có phải bằng sức người, khi thả trôi các phiến đá (với trọng lượng vài tấn mỗi phiến) theo dòng nước rồi kéo lê chúng trên đất liền, hay liệu chúng đã được đưa đến cao nguyên Salisbury Plain một cách tự nhiên nhờ quá trình vận động của sông băng. Tuy một số ít các nhà khảo cổ vẫn tin tưởng vào giả thuyết thứ hai, nhưng phần lớn hiện nay cho rằng các phiến đá xanh dương đã được con người vận chuyển đến đó, bởi vì sự vận động của sông băng trong khu vực không tạo điều kiện cho việc vận chuyển các vật thể trôi nổi theo cách như vậy. Theo phát hiện mới nhất gần đây, chắc chắn các phiến đá này đã được vận chuyển có chủ đích vào đại lục nước Anh.

Các tuyến đường vận chuyển đá khả thi từ xứ Wales đến Stonehenge. (Ảnh: Internet)Các tuyến đường vận chuyển đá khả thi từ xứ Wales đến Stonehenge. (Ảnh: Internet)

Công trình cự thạch Stonehenge tại hạt Wiltshire, Anh vào năm 2014. (Ảnh: Diego Delso/Wikimedia Commons) Công trình cự thạch Stonehenge tại hạt Wiltshire, Anh vào năm 2014. (Ảnh: Diego Delso/Wikimedia Commons)

Theo tờ The Guardian, nhóm nghiên cứu hiện đang tiến hành các cuộc khảo sát địa vật lý, khai quật thí điểm và phân tích ảnh chụp trên không trong khu vực giữa hai mỏ đá ở xứ Wales để xác định địa điểm một vòng tròn đá tương tự như ở vòng tròn đá Stonehenge đã được dựng lên lúc ban đầu. Các nhà nghiên cứu đã tiết lộ rằng họ có thể đã tìm được một địa điểm đầy hứa hẹn, và rất có thể sẽ có một phát hiện lớn vào năm sau.

Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Xem bài gốc ở đây
Hoàng Sâm biên dịch

Xem thêm: