Các nhà khảo cổ học ở Campuchia đã phát hiện được những thành phố cổ đại có niên đại trong khoảng 900 – 1.400 năm tuổi được chôn giấu bên dưới tầng đất mặt của vùng rừng ở Campuchia. Các thành phố này được nhìn nhận là một khám phá gây chấn động với khả năng thay đổi các hiểu biết trước đây về lịch sử của khu vực Đông Nam Á.

Các thành phố này rất đồ sộ, một số trong đó có kích thước ngang bằng Phnôm Pênh, thủ đô của Campuchia. Chúng đã được phát hiện gần Angkor Wat, một quần thể đền đài được nhìn nhận là một trong những kỳ quan của thế giới cổ đại.  

thanh pho co campuchia

Tiến sĩ Damian Evans, một nhà khảo cổ học người Úc, đã nhận định, “Lần này chúng tôi đã có được một cái nhìn toàn cảnh và nó khá lớn, lớn bằng kích thước của Phnôm Pênh”, theo trang The Guardian.

“Chúng tôi có toàn bộ các thành phố được phát hiện bên dưới khu rừng mà không ai biết được nó nằm ở đó—tại đền Preah Khan thuộc huyện Kompong Svay, và hóa ra, chúng tôi đã phát hiện được chỉ một bộ phận của thành cổ Mahendraparvata trên dải núi Phnom Kulen [trong cuộc khảo sát năm 2012]”, TS Evans nói.

Một bộ phận của thành cổ Mahendraparvata đã được phát hiện tại dãy núi Phnom Kulen trong cuộc khảo sát năm 2012. (Ảnh: Terence Carter)
Một bộ phận của thành cổ Mahendraparvata đã được phát hiện tại dãy núi Phnom Kulen trong cuộc khảo sát năm 2012. (Ảnh: Terence Carter)

TS Evans đã công bố các khám phá đầy đủ của ông trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ vào ngày 13/6 vừa qua.

Đế quốc Khmer

Những phát hiện này sẽ thay đổi các quan điểm về quy mô của Đế quốc Khmer, hiện được cho là rộng lớn hơn rất nhiều so với nhận định lúc ban đầu, và có lẽ là lớn nhất trên thế giới vào thế kỷ 12.

TS Evans cho rằng các nền văn minh trong quá khứ thường xây dựng các công trình tại trung tâm các thành phố lớn của họ.

Quần thể đền đài Angkor Wat, một Di sản Thế giới UNESCO, được cho là một công trình như vậy. Là biểu tượng quốc gia của Campuchia, quần thể đền đài này đã được Vua Suryavarman II cho xây dựng vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực chính trị của Đế quốc Khmer, và nằm trong số những thành phố tiền công nghiệp lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, từ lâu các học giả đã đưa ra giả thuyết cho rằng đế quốc này có nhiều huy hoàng hơn so với chỉ một tổ hợp đền đài Angkor Wat.

Năm 2012, các nhà khoa học đã xác nhận được giả thuyết của họ thông qua việc khám phá ra Mahendraparvata, một thành phố cổ nằm gần Angkor Wat.

thanh pho co campuchia

thanh pho co campuchia
Nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Khảo cổ Pháp ở Xiêm Riệp đang xem xét một tấm bản đồ của di chỉ này.

Sau đó khám phá mới nhất đã xuất hiện trong một cuộc phân tích khảo sát vào năm 2015. Các khu định cư đã được phát hiện sử dụng một công nghệ chụp quét laser tối tân gọi là LIDAR (Light Detection and Ranging). Công tác khảo sát đã được tiến hành bằng cách gắn một máy laser đặc biệt vào bên dưới một máy bay trực thăng, cho phép nó nhìn xuyên qua rừng cây và thảm thực vật để rốt cục khám phá ra các thành phố ẩn giấu, bất chấp việc chúng được làm bằng rơm khô và gỗ (hiện đã bị mục nát).

Phương pháp lidar cũng đã được sử dụng trong khám phá vào năm 2012, một thành quả cho phép TS Evans xin tài trợ thành công từ Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu (European Research Council) cho dự án này.

Các cuộc khảo sát cũng đã hé lộ các hệ thống cấp thoát nước phức tạp được xây dựng từ hàng trăm năm về trước. Các khám phá mới sẽ thách thức các lý thuyết hiện nay về quá trình phát triển và suy tàn của Đế quốc Khmer vào khoảng thế kỷ 15 và chỉ ra vai trò của thời tiết và quản lý nước trong quá trình này.

Angkor vẫn luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch hàng đầu của Campuchia, nhưng có lẽ phát hiện mới sẽ cho mọi người lại thêm một lý do nữa để ghé thăm quần thể đền đài này.

Tác giả: Jim Liao, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: