Nhà thực vật Joanne Chory vừa nhận giải thưởng Breakthough Prizes 2018 trị giá hơn 3 triệu USD vì ý tưởng làm ruộng và giống cây trồng độc đáo. Đây là giải thưởng danh giá trao cho các nhà khoa học có những nghiên cứu đột phá trong những lĩnh vực như vật lý cơ bản, toán và khoa học đời sống được sáng lập bởi Sergey Brin và Mark Zuckerberg.

Chory được trao giải thưởng nhờ nghiên cứu cách đây 30 năm về phương pháp mới giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh. Nhưng hiện tại, nghiên cứu chuyển sang hướng mới vừa giúp cây phát triển khỏe mạnh để đảm bảo lương thực vừa kết hợp hút CO2 trong không khí để giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu trên thế giới.

Ý tưởng về hút CO2 giữ lại trong đất dựa trên một chất polymer có tên là Suberin. Suberin được biết đến giống một loại chất liệu làm nút chai. Theo nhóm nghiên cứu, đây là chất có thể lưu giữ Carbon hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm trong đất mà không bị phân hủy sinh học. Một cây trồng lâu năm chứa Suberin có thể tạo ra nhiều Oxy giúp không khí trong lành hơn. Rễ cây chịu được hạn hán và lũ lụt. Những cây trồng ven biển tạo ra rất nhiều Suberin.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra cách mới để cây có thể phát triển trong điều kiện không có ánh sáng. Một số cây trồng được tạo ra có thể phát triển cao hơn trong bóng râm bằng cách phơi nhiễm các hạt giống bằng các chất hóa học biến đổi gen. Bằng cách này nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một lớp hormone thực vật mới được gọi là “brassinosteroid”. Kết quả nghiên cứu cũng tạo ra những giống cây khỏe mạnh, có khả năng chống lại mầm bệnh và phát triển được trong những điều kiện khắc nghiệt.

Để có thể hút được lượng khí thải của con người trên toàn cầu bằng các loại cây trồng mới theo kết quả nghiên cứu của Chory thì cần một phần diện tích đất chiếm 5% tổng diện tích đất trồng trọt trên thế giới. Diện tích này bằng với lãnh thổ Ai Cập hiện nay. Mặc dù chỉ là ý tưởng nhưng Chory cho rằng chiến lược này có thể tốt hơn so với việc cố gắng làm giảm lượng khí thải CO2 theo những cách khác.

Nhật Minh