Theo truyền thuyết địa phương, một nữ hoàng xâm lược từ phương Nam đã dẫn tới sự sụp đổ của vương quốc Aksumite xứ Ethiopia vào cuối thế kỷ 10. Nữ hoàng này được cho là đã tàn phá thành phố Aksum và các vùng nông thôn, phá huỷ nhà thờ và các di tích, soán ngôi vua Aksumite và cố gắng tiêu diệt các thành viên còn lại của gia đình hoàng tộc. Thế nhưng, nữ hoàng này lại là một bí ẩn lớn, và quan điểm về bà từ các học giả khác nhau là khác nhau.

Đầu tiên, nữ hoàng dường như có nhiều tên gọi khác nhau. Mặc dù bà có thể đã được biết đến như là Gudit, Judit, Yodit hoặc Judith (hay tương tự thế), bà còn được gọi là ‘Esato trong tiếng Amharic, và Ga’ewa trong tiếng Teltal.

Không kể sự khác biệt về tên, còn có những vấn đề khác xung quanh các nhân vật Gudit. Ví dụ, truyền thuyết Ethiopia cho rằng Gudit thuộc về đức tin Do Thái, hoặc đã theo nó từ chồng của bà. Tuy nhiên, điều này gây nhiều tranh cãi, vì một số người cho rằng nữ hoàng gắn bó với một hình thức tôn giáo của người bản địa Ethiopia-Phi Châu. Như vậy, sự oán giận của bà đối với vương quốc Aksumite có thể được giải thích như một phản ứng chống lại sự xâm lấn lãnh thổ của mình bởi vương quốc Thiên Chúa giáo kia. Giải thích khác cho rằng Gudit chẳng phải là một người Do Thái, cũng không phải là ngoại đạo, mà là một phụ nữ Thiên Chúa giáo người Ethiopia. Trên thực tế, điều này cũng gợi ý rằng bà thuộc về hoàng tộc Aksumite và đã có quyền thừa kế hợp pháp ngai vàng, và bà đã thành công trong việc giành lấy nó trong một cuộc tranh đấu. Mô tả trong truyền thuyết về nữ hoàng là “người Do Thái” có thể mang nghĩa tượng trưng hơn là nghĩa đen. Nói cách khác, Gudit có thể đã bị gọi là người Do Thái đơn giản vì dựa trên hành động được xem như “chống Chúa” của bà, chẳng hạn như việc đốt và phá hủy các nhà thờ.

Kiến trúc Aksumite tiêu biểu, tu viện Debre Damo. Truyền thuyết cho rằng nơi này đã bị cướp phá và đốt cháy bởi Gudit. (Wikimedia Commons)
Kiến trúc Aksumite tiêu biểu, tu viện Debre Damo. Truyền thuyết cho rằng nơi này đã bị cướp phá và đốt cháy bởi Gudit. (Wikimedia Commons)

Một cách giải thích về Gudit xuất phát từ tác phẩm của một nhà văn đương thời Ả Rập, Ibn Hawqal. Theo Ibn Hawqal, có một nữ hoàng đã cầm quyền vùng đất Ethiopia trong 30 năm khi ông viết tác phẩm Surat al-‘Arḍ (Gương mặt Trái đất) của mình năm 977. Nữ hoàng này không chỉ trị vì vùng đất Ethiopia, mà còn cai trị trên một số các vùng lãnh thổ lân cận ở phía nam và phía tây  vương quốc. Ibn Hawqal cũng nói rằng Nữ hoàng Ethiopia đã gửi quà cho vua Ziyadite xứ Yemen, Abu al-Jays, để nuôi dưỡng mối quan hệ hữu hảo với vương quốc này. Như vậy, có vẻ như truyền thuyết, trong đó nói rằng Gudit chỉ cai trị một phần của Ethiopia, và đất nước của chính bà (thường được hiểu là Damot, ở phía nam hoặc phía tây nam Ethiopia), là trái ngược với những gì Ibn Hawqual trình bày. Có một vấn đề với ý kiến của Ibn Hawqual. Về nhân vật nữ hoàng Ethiopia, dường như ông không hề đề cập đến tên của bà. Tuy nhiên, có thể thực tế là Ibn Hawqal đã viết trong thời của Gudit về khả năng nữ hoàng Ethiopia vô danh và Gudit là cùng một người.

Đồng bia mộ Gudit, Axum, Ethiopia. Được đặt theo tên nữ hoàng Gudit (Wikimedia Commons)
Đồng bia mộ Gudit, Axum, Ethiopia. Được đặt theo tên nữ hoàng Gudit (Wikimedia Commons)

Bất kể nguồn gốc của Gudit ra sao, sự trị vì của bà là sự khởi đầu của triều đại Zagwe, cai trị vùng đất Ethiopia khoảng 300 năm. Liệu Gudit là một phần của triều đại này, hay thay vì là người sáng lập của nó là một câu hỏi khác hoàn toàn. Vương triều Zagwe đã kết thúc vào thế kỷ thứ 13, khi vị vua cuối cùng của nó bị lật đổ bởi Yekuno Amlak, người tự xưng là hậu duệ của vua Aksumite cuối cùng. Theo truyền thuyết, tên của vị vua cuối cùng của Zagwe là Za-Ilmaknun, có nghĩa là ‘The Unknown, người bí ẩn’. Nói cách khác, triều đại mới đã xóa sạch lịch sử của vị vua này thông qua một đạo luật damnatio memoriae (thuật ngữ Latinh, mang nghĩa phán quyết một người nào đó sẽ không được lịch sử ghi nhớ). Điều này có thể mở rộng đến người sáng lập ra triều đại Zagwe, Gudit, do đó chân dung của bà chỉ được biết đến qua khẩu truyền.

Theo Epoch Times

Đăng lại với sự cho phép. Đọc bản gốc tại Ancient Origins