Theo CNN, một nghiên cứu công bố trong tuần qua trên tạp chí Nature cho thấy trên Trái đất có 3,04 nghìn tỉ cây thân gỗ, tức là xấp xỉ 422 cây trên đầu người, lớn hơn 7,5 lần ước tính trước đây.

Nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học đến từ 15 quốc gia dẫn đầu bởi Đại học Yale, Mỹ, đã sử dụng kỹ thuật ảnh vệ tinh, số liệu thống kê rừng và các siêu máy tính để vẽ ra bản đồ cây thân gỗ trên trái đất ở mức độ kilomet vuông. Nhóm nghiên cứu nói rằng đây là dữ liệu về số cây toàn diện nhất từng được thống kê.

Những khu vực có mật độ cây cao nhất là các cánh rừng phía bắc ở vùng cận bắc cực của Nga, Scandinavia và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, những cánh rừng rộng lớn nhất lại nằm ở vùng nhiệt đới, chiếm 43% số cây thân gỗ trên trái đất.

Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu của họ có thể giúp tìm ra cấu trúc hệ sinh thái rừng ở các vùng khác nhau và cải thiện dự đoán về dự trữ các-bon cùng đa dạng sinh học trên trái đất.

Nghiên cứu này bắt nguồn từ một yêu cầu hai năm trước, bởi tổ chức Plant for the Planet có mục đích trồng cây để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tại thời điểm đó, số lượng cây mới được ước đoán là khoảng 400 tỉ, xấp xỉ 61 cây xanh trên một người.

Mặc dù tin tốt là nghiên cứu mới nhất cho thấy số cây xanh gấp 7,5 lần con số dự đoán vào 2 năm trước, nhưng các nhà khoa học cũng cảnh báo số lượng cây đã giảm khoảng 46% từ khi bắt đầu nền văn minh loài người. Và thủ phạm chính gây nên sự suy giảm này là con người.

Theo nghiên cứu này, mật độ cây xanh thường giảm mạnh khi dân số thế giới tăng lên và các hoạt động chặt phá rừng, cải tạo đất và việc quản lý rừng yếu kém là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của hơn 15 tỷ cây gỗ mỗi năm.

Minh Trí tổng hợp