Không chỉ trái đất là quay xung quanh mặt trời, mà cả hệ thiên hà chúng ta cũng đang di chuyển trong vũ trụ. Và điều đặc biệt là vùng vũ trụ nơi thiên hà chúng ta đang ở lại có mật độ vật chất ít hơn mật độ bình quân của vũ trụ rất nhiều lần.

Vũ trụ của chúng ta không đồng nhất, một số vùng có mật độ vật chất cao hơn những vùng khác. Nghiên cứu mới tại hội nghị lần thứ 230 của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ tại Texas cung cấp bằng chứng mới rằng các thiên hà, ngôi sao và hành tinh trong khu vực không gian của chúng ta ít hơn nhiều so với những vùng khác. Khi đo đạc tỉ lệ giãn nở của vũ trụ, hằng số Hubble, lẽ ra sẽ giống nhau tại mọi vị trí được quan sát. Tuy nhiên thực tế lại không như vậy, kết quả đo đạc cho thấy lực hấp dẫn ở những nơi khác trong vũ trụ mạnh hơn. Ý tưởng chúng ta đang sống trong một khoảng trống đã giải thích một cách thông suốt vấn đề này.

Ben Hoscheit – tác giả chính của nghiên cứu – từ Đại học Wisconsin-Madison nói: “Hiện nay, dù dùng bất cứ kĩ thuật gì thì kết quả nhận được sẽ là các giá trị tỉ lệ giãn nở của vũ trụ giống nhau. May mắn thay, giả thuyết rằng chúng ta đang sống trong một khoảng trống đã giúp giải được bài toán này.”

Theo các khám phá, khoảng không hình cầu nơi chúng ta cư ngụ lớn hơn 7 lần khoảng không trung bình, trải dài 1 tỉ năm ánh sáng.

KBC là khoảng không lớn nhất chúng ta từng tìm thấy được đặt tên theo các nhà khám phá Keenan, Barger, và Cowie vào năm 2013.

Bản đồ vũ trụ địa phương. Các vùng có mật độ cao hơn màu cam. Sloan Digital Sky Survey

Hầu hết các bằng chứng xuất phát từ sự khác biệt trong việc mở rộng vũ trụ trên quy mô địa phương và trên quy mô vũ trụ. Cái thứ nhất là từ các vụ nổ siêu tân tinh trong vùng lân cận của chúng ta, thứ hai là từ photon có nguồn gốc từ bức xạ nền vũ trụ.

Khoảng trống này ảnh hưởng đến giá trị hằng số Hubble đo được trên quy mô địa phương nhưng không ảnh hưởng trên quy mô vũ trụ. Điều này cung cấp một số bằng chứng gián tiếp cho sự tồn tại của khoảng trống.

Hoscheit nói với IFLScience rằng sự khác biệt là khoảng 73.24km/giây/megaparsec tại mức địa phương và 66.93 tại mức vũ trụ.

Ông nói: “Nếu không tính đến những ảnh hưởng liên quan đến việc sống trong khoảng trống này, người ta sẽ bị chệch sang giá trị lớn hơn khi đo đạc hằng số Hubble “địa phương”.”

Vũ trụ chúng ta vốn không đồng nhất. Thiên hà của chúng ta nằm trong Siêu quần Thiên hà Laniakea khổng lồ, mạng lưới 100,000 thiên hà liên kết với nhau thông qua lực hấp dẫn. Siêu quần Thiên hà như vậy  là mạng lưới cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ (theo chúng ta biết hiện nay). Chúng ta dường như đang bị kéo về một vùng đậm đặc gọi là Great Attractor (Nguồn hấp dẫn Lớn) đồng thời bị đẩy khỏi một vùng trống gọi là Dipole Repeller (Vùng đẩy Lưỡng cực).

Dù có đang bị đẩy hay kéo hay không, chúng ta bây giờ có thể khẳng định là đang sống trong một vùng không gian trống. Thật may, điều này không ảnh hưởng nhiều đến các quan sát thiên văn từ Trái Đất.

Ngự Yên

Xem thêm: