Nhà tâm lý học người Anh, tiến sĩ Richard Wiseman thường được giới truyền thông tham vấn như một chuyên gia chất vấn các trường hợp cận tâm lý học. Trong gần 20 năm qua, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục xoay quanh việc ông công khai lật tẩy một thí nghiệm về khả năng ngoại cảm ở vật nuôi.

Vào tháng 6/2015, Tiến sĩ Rupert Sheldrake, người đã tiến hành những thí nghiệm vốn dường như đã bị lật tẩy, đã công bố một bản tổng kết xoay quanh cuộc tranh luận nhằm chứng thực những phát hiện của ông — rằng một chú chó tên Jaytee đã biểu lộ một khả năng đáng kinh ngạc khi có thể linh cảm được chủ nhân của nó đang trên đường trở về nhà.

Pam Smart đã nuôi một chú chó sục bun tên Jaytee từ năm 1988. Chú chó ở cùng với cha mẹ của bà khi bà đi vắng, và họ để ý thấy Jaytee sẽ đến chỗ cửa sổ và ngóng chờ một cách đầy hi vọng trước khi bà Smart trở về nhà. Bất kể bà trở về vào thời gian nào trong ngày, chú sẽ đợi ở đó khoảng vài phút trước khi bà xuất hiện trước tầm mắt.


Bà Pam Smart và chú chó của bà, Jaytee, trong một video được Tiến sĩ Rubert Sheldrake đăng lên YouTube vào ngày 14/7/2015. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)

Năm 1994, bà bắt gặp một bài viết trên tờ Telegraph trong đó đề nghị những ai có vật nuôi, và vật nuôi của họ có khả năng linh cảm được khi họ đang trở về nhà, tham gia vào một cuộc thí nghiệm được tiến hành bởi TS Sheldrake.

TS Sheldrake nhận bằng Tiến sĩ hóa sinh từ trường Đại học Cambridge và ông đã nghiên cứu triết học và lịch sử khoa học tại trường Đại học Harvard; ông được biết đến với việc nghiên cứu về các hành vi khó lý giải ở động vật, cũng như hiện tượng ngoại cảm dưới nhiều hình thức khác.


Tiến sĩ Rupert Sheldrake. (Ảnh: Wiki)

Trong khoảng 100 thí nghiệm với chú chó Jaytee, TS Sheldrake đã loại trừ các cách giải thích thông thường. Bà Smart trở về nhà vào những thời điểm khác nhau, do đó loại trừ đi yếu tố thời điểm theo thông lệ. Bà về nhà bằng taxi, hay xe hơi của bạn bè, hoặc đi bộ, tất cả để chắc chắn rằng chú chó sẽ không nhận ra được tiếng xe hơi của bà từ xa.

TS Sheldrake cho biết, khi TS Wiseman tiến hành bốn thí nghiệm, ông ta cũng đã thu được những kết quả tương đồng, nhưng ông lại diễn giải các kết quả theo một cách khác.

Ở cả hai thí nghiệm của TS Sheldrake và TS Wiseman, chú chó Jaytee thường chạy qua chạy lại chỗ cửa sổ trong ngày, nhưng chỉ khi bà Smart đang trên đường trở về nhà thì nó mới đứng lại ở đó và chờ đợi trong một khoảng thời gian dài đáng kể.

TS Sheldrake đã đánh dấu những kết quả của ông và của TS Wiseman trên biểu đồ cho thấy một sự gia tăng đột ngột khoảng thời gian chú chó dừng lại trước cửa sổ khi bà Smart đang trên đường về nhà — từ khoảng 5% cho đến khoảng 80%.

bieu do ts sheldrakeBiểu đồ biểu thị khoảng thời gian chú chó Jaytee chờ đợi trước cửa sổ trong mỗi khoảng thời gian 10 phút sau khi bà Pam đi vắng cho đến khi bà Pam trở về. Trong khoảng thời gian 10 phút cuối trước khi bà Pam trở về nhà (bên phải ngoài cùng), chúng ta có thể thấy sự gia tăng đột ngột khoảng thời gian Jaytee chờ đợi bên cửa sổ từ 50 giây (ngay trước 10 phút) đến 125 giây (ngay trước 5 phút) lên đến 275 giây (ngay trước khi trở về). (Ảnh chụp màn hình/YouTube).

Tuy TS Wiseman đồng ý rằng dữ liệu của ông cũng cho thấy một mô thức tương tự, nhưng ông nói rằng các tiêu chí đánh giá của ông lại khác.

Ông bắt đầu thí nghiệm của mình bằng việc định nghĩa rõ khái niệm “tín hiệu” của Jaytee khi bà Smart đang trở về nhà lần đầu trong ngày, với “tín hiệu” khi chú chạy đến hàng hiên mà không có lý do rõ ràng (Những lý do không phải vì bà Smart trở về nhà, bao gồm: quan sát những chú chó khác bên ngoài, hay quan sát người qua đường… Những lần Jaytee đến hàng hiên như vậy thì sẽ không được tính). Trong một bài phản hồi trước sự đánh giá của TS Sheldrake, ông đã viết: “Trước khi tiến hành thí nghiệm lần đầu tiên, chúng tôi đã nhận thức được rằng, để tránh khả năng xảy ra tình trạng chọn lọc dữ liệu sau thí nghiệm, thì cần phải xác định được tiêu chí đánh giá xem cái gì mới được tính là tín hiệu của Jaytee”.

Ông tiếp tục: “Những thí nghiệm của chúng tôi có mục đích kiểm tra giả thuyết cho rằng Jaytee rõ ràng đã nhận biết được việc bà Smart đang trở về nhà bằng cách đi đến chỗ hàng hiên của ngôi nhà mà không có lý do rõ ràng. Việc kiểm tra giả thuyết này không đòi hỏi phải vẽ biểu đồ hay tìm kiếm một mô thức, mà thay vào đó chỉ cần đơn giản xác định xem liệu ‘tín hiệu’ của Jaytee có ăn khớp với thời gian mà bà Smart bắt đầu trở về nhà hay không… Do đó chúng tôi cho rằng giả thuyết mà chúng tôi kiểm chứng, cũng như các phương pháp được sử dụng để kiểm chứng, đã hoàn toàn được khẳng định”.

Trong một bản tin đặc biệt vào năm 1997 được phát sóng trên Đài truyền hình Anh, với tiêu đề “Những bí ẩn của ngành tâm linh học”, TS Wiseman đã thảo luận về những thí nghiệm của ông với chú chó Jaytee. Ông nói rằng ông đã quay phim Jaytee trong vòng ba tiếng đồng hồ liên tục và phát hiện thấy chú chó đi đến hàng hiên cứ 10 phút một lần; ông cho rằng đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Jaytee cũng đi đến hàng hiên khi bà Smart đang trên đường trở về nhà.

Theo sau “màn lật tẩy” của TS Wiseman trên truyền hình, nhiều tờ báo đã xuất hiện những dòng tiêu đề giật tít như “Thú nuôi không có giác quan thứ sáu, các nhà khoa học cho hay” (Câu tít này là của tờ The Independent).

TS Sheldrake vẫn kiên định với quan điểm cho rằng sự xuất hiện của Jaytee bên cửa sổ rõ ràng đã lâu dài hơn và khác biệt hơn khi bà Smart đang trên đường trở về nhà. Trong bài phản hồi vào năm 2000 trước những lời chỉ trích của TS Sheldrake,  TS Wiseman đã lý luận rằng mô hình trong các biểu đồ của TS Sheldrake có thể được lý giải như sau: Jaytee sẽ trở nên bồn chồn hơn khi thời gian trôi đi. Điều này sẽ khiến chú chó đứng ở cửa sổ lâu hơn khi chờ đợi bà Smart trở về, và bà Smart sẽ trở về vào cuối khoảng thời gian thí nghiệm.

Tuy nhiên, TS Sheldrake đã phản hồi như sau: “Trong một loạt các thí nghiệm kiểm soát khi bà Pam Smart không trở về nhà trong suốt khoảng thời gian thí nghiệm, không có dấu hiệu cho thấy sự ‘bồn chồn’ ở Jaytee khi chú chó này đi đến cửa sổ ngày càng nhiều lần hơn khi thời gian trôi đi”.

Trong các cuộc khảo sát ngẫu nhiên các hộ gia đình ở Anh và Mỹ, trung bình có 48% người nuôi chó cho rằng thú cưng của họ có thể đã đoán trước được sự trở về của một thành viên trong gia đình.

Ông đã tiến hành thêm các thí nghiệm với một chú chó tên Kane, và đã đăng tải một nghiên cứu trên tạp chí Anthrozoos vào năm 2000. Trong phần mở đầu của nghiên cứu, TS Sheldrake đã viết: “Trong những cuộc khảo sát ngẫu nhiên các hộ gia đình ở Anh và Mỹ, trung bình có 48% người nuôi chó cho rằng thú cưng của họ có thể đã đoán trước được sự trở về của một thành viên trong gia đình. Một phần năm những chú chó này được cho là đã biểu thị sự mong ngóng trong hơn 10 phút trước khi thành viên đó về tới nhà. Nhiều người nuôi chó khẳng định rằng hiện tượng này vẫn xảy ra ngay cả khi người đó về nhà vào một thời điểm khác với thông lệ, hoặc khi những thành viên khác ở nhà không biết khi nào họ sẽ trở về”.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch