Theo hãng tin CBS News, một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Geology vào thứ Năm tuần trước (6/8) đã công bố việc phát hiện dấu vết của một hồ nước mặn, được cho là biến mất vào 3,6 triệu năm trước trên sao Hỏa, nơi mà các nhà khoa học cho là nơi sự sống cuối cùng có thể đã tồn tại trên hành tinh này.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Colorado Boulder đã kiểm tra vùng lắng đọng muối Clo, rộng 18 dặm vuông tại khu vực tên là Meridiani, gần bãi đáp của rô bốt thăm dò Mars Opportunity. Hình ảnh qua vệ tinh cho thấy đây là một vùng lắng rộng, được xem là dấu vết của một hồ nước đã bốc hơi.

Ông Brian Hynek, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả nghiên cứu cho chúng ta thêm bằng chứng về việc khi nào thì sao Hỏa hết nước và sự sống ở đây biến mất.

Video đưa tin:

Đến nay, các nhà khoa học tin rằng thời gian khí hậu sao Hỏa đủ ấm để giữ được lượng nước lớn trên bề mặt là từ 3,8 đến 3,7 tỷ năm trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang băn khoăn không hiểu vì sao một hồ nước sâu hơn 130 mét này lại có thể giữ được nước, trong khi nước ở các nơi khác đã biến mất từ lâu.

Dựa vào độ dày và lượng muối tại đây, các nhà nghiên cứu ước tính rằng nước trong hồ có độ mặn bằng khoảng 8% so với đại dương trên Trái Đất và có thể là môi trường sống phù hợp đối với các loài vi sinh vật. Hồ nước này ước tính vẫn còn tồn tại cho đến khoảng 3,6 triệu năm về trước.

Sao Hỏa có từng có sự sống hay không? Đây là câu hỏi đáng giá triệu đô. Và nếu có, sự sống trên đó có giống với trên Trái Đất hay là một dạng sống hoàn toàn khác? Ít nhất chúng ta đã biết mọi sinh vật sống trên Trái Đất đều cần có nước,” ông Hynek nói.

Minh Trí tổng hợp