Điều gì thực sự xảy ra khi chúng ta chết? Cái chết có đáng sợ như ta vẫn nghĩ? Câu chuyện từ những người từng trải nghiệm cận tử có lẽ sẽ làm sáng tỏ phần nào câu hỏi này. Đó là những kí ức rất tráng lệ và chi tiết về các sự kiện, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một nghiên cứu mới từ ĐH Liège và ĐH Hospital of Liège, Bỉ, công bố trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience hồi tháng 7 năm 2017, đã thực hiện kiểm tra tần suất và thứ tự mà những khía cạnh khác nhau của trải nghiệm cận tử xảy ra dựa trên các bản tự báo cáo của những người tham gia khảo sát.

80% người có cảm giác bình yên, an lạc khi cận kề cái chết trong trải nghiệm cận tử.

Các nhà nghiên cứu thu thập và phân tích bản tự thuật từ 154 người đã từng trải nghiệm cận tử. Họ ghi chép lại những trải nghiệm cận tử đặc trưng được viết trong các bản tường thuật rồi kiểm tra thứ tự xuất hiện của các hiện tượng khác nhau trong mỗi câu chuyện.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, trung bình, một người trải nghiệm khoảng 4 hiện tượng khác nhau trong mỗi quá trình cận tử. Các đặc điểm được tường thuật thường xuyên nhất là trải nghiệm cảm giác bình yên, an lạc (80% người tham gia khảo sát), nhìn thấy ánh sáng rực rỡ (69%) và gặp gỡ các linh hồn/người nào đó (64%), trong khi đó hai trải nghiệm ít gặp nhất là tư tưởng chạy rất nhanh trong tâm trí (5%) và nhìn thấy trước tương lai (4%).

Về thứ tự thời gian, họ thấy rằng, khoảng một phần ba số người từng cận tử (35%) có trải nghiệm thoát xác như là trải nghiệm đầu tiên và kết thúc bằng quay trở về. “Điều này chỉ ra rằng trải nghiệm cận tử dường như thường được kích hoạt bởi cảm giác tách rời khỏi cơ thể xác thịt và kết thúc khi trở lại”, Charlotte Martial đồng tác giả của nghiên cứu từ trường Đại Học Liège và Đại học Hospital of Liège, Bỉ nói.

Nhìn chung, thứ tự các trải nghiệm thường được chia sẻ phố biến nhất là: đầu tiên là trải nghiệm thoát xác, rồi đến trải nghiệm đường hầm, nhìn thấy ánh sáng rực rỡ và cuối cùng là cảm giác bình yên. Chuỗi các sự kiện này được 22% những người tham gia điều tra kể lại. Mặc dù người ta tìm thấy những kết nối đôi một giữa các loại trải nghiệm khác nhau, cái này dường như tiếp nối cái kia theo thứ tự thời gian như thế nào, nhưng không có chuỗi sự kiện phổ quát nào có thể được thiết lập chung cho tất cả. Nó cho thấy rằng mỗi trải nghiệm cận tử là duy nhất.

Một cuộc điều tra khác về trải nghiệm cận tử cũng từng được thực hiện trên những người sống sót sau trận động đất ở Đường Sơn, Trung Quốc, công bố trên tạp chí Popular Medicine năm 1993. Theo hồi ức của họ, hơn phân nửa những người sống sót cho biết trong suốt khoảng thời gian ở trong tình trạng nguy hiểm, họ không những không cảm thấy sợ hãi, mà trái lại, tâm trí của họ lại rất sáng suốt, bình tĩnh và thoải mái – một cảm giác mỹ diệu phi thường.

Một số người thậm chí còn có cảm giác hạnh phúc, không còn sự ước chế của thân xác và những tư tưởng chạy rất nhanh trong tâm trí của họ. Rất nhiều tư tưởng khác nhau xuất hiện.

Tại thời điểm đó, những sự kiện xảy ra trước đây trong cuộc đời không ngừng vụt lóe lên như một bộ phim và các cảnh tượng phần nhiều là hạnh phúc.

Charlotte Martial nói: “Những phát hiện của chúng tôi gợi ý rằng những trải nghiệm cận tử có thể không mô tả tất cả các yếu tố, và các yếu tố dường như không xuất hiện theo một trật tự cố định nào.”

Cần thiết có những nghiên cứu sâu hơn để khám phá những khác biệt này. Đồng thời tìm ra các mối liên hệ giữa nội dung các trải nghiệm đó với điều những họ mong đợi hay bối cảnh văn hoá nơi họ sinh sống, cũng như các cơ chế sinh lý thần kinh đằng sau những trải nghiệm cận tử.

Ngự Yên tổng hợp

Xem thêm: