Câu truyện về cuộc chiến giữa Cadmus và một con rắn trong thần thoại Hy Lạp có thể đã ám chỉ đến việc phát hiện ra con sông Amazon, theo tiến sĩ Enrico Mattievich, một giáo sư vật lý đã nghỉ hưu tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro (UFRJ), Brazil.

Năm 2011, TS Mattievich đã viết một cuốn sách mang tựa đề “Journey to the Mythological Inferno” (Tạm dịch: Chuyến du hành tới Địa ngục trong thần thoại), trong đó ông khám phá mối liên hệ giữa các câu truyện trong thần thoại Hy Lạp và các địa danh lịch sử tại Nam Mỹ.

Một số học giả từng nhận định rằng thần thoại về Cadmus là được dựa trên một trận chiến đơn thuần giữa một người đàn ông và một con rắn. Một số nhà tâm lý học theo trường phái Carl Jung cho rằng trận chiến này biểu thị một sự giằng xé nội tâm trước thôi thúc thực hiện hành vi loạn tính. Tuy nhiên, TS Mattievich lại cho rằng câu chuyện này mang hàm nghĩa rộng lớn hơn; con rắn chính là con sông Nam Mỹ bất kham, uốn lượn, đôi lúc cuồn cuộn sóng gió từng bị chinh phục bởi những nhà thám hiểm Hy Lạp cổ đại.

Tròng mắt rực lửa và độc tố chết người của con rắn ám chỉ những ngọn núi lửa sừng sững dọc theo hai bên bờ sông Amazon. Hai hàm răng con rắn chính là các dãy núi, và vô số những cái lưỡi là các nhánh sông nhỏ.

Chúng ta sẽ cùng xem xét các đoạn nội dung về thần thoại Cadmus, được đề cập trong cuốn sách “Metamorphoses” (tạm dịch: biến hóa) của Ovid, cùng với bản phân tích của TS Mattievich trong bài viết “Cadmus trảm mãng xà” trên tạp chí Q-Mag. Chúng ta cũng sẽ bàn sơ qua về giả thuyết của TS Mattievich cho rằng cuộc phiêu lưu của Odysseus (Ô-đi-xê) đến Hades trong sử thi “Odyssey” của Homer thực chất là một cuộc hành trình xuống “thế giới bên kia” nhưng mang hàm nghĩa khác, ví như tới Nam Mỹ, một vùng đất “phía dưới” Hy Lạp.

TS Mattievich đưa ra những lập luận mang tính Thần thoại và Khảo cổ như vậy trong bối cảnh tồn tại những bằng chứng gây tranh cãi khác cho rằng sự tiếp xúc giữa Cựu Thế Giới và Nam Mỹ đã bắt đầu xuất hiện từ lâu trước thời điểm mọi người vẫn nhìn nhận.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ không đi sâu phân tích các bằng chứng đó, tuy nhiên chúng tôi sẽ đề cập ngắn gọn đến một thí nghiệm thú vị được Giáo sư Thor Heyerdahl tiến hành vào năm 1969 và lần nữa vào năm 1970. Ông chế tạo một chiếc thuyền bằng giấy cói, tương tự loại thuyền được người Ai Cập cổ đại sử dụng rồi rong buồm vượt biển từ Ma-rốc đến đảo Barbados (biển Ca-ri-bê) hai lần để chứng tỏ rằng con người cổ đại hoàn toàn có khả năng tiếp cận Châu Mỹ.

Tại sao con rắn lại biểu thị cho một dòng sông

TS Mattievich lưu ý rằng các câu thơ từ 77-80 của tập thơ “Metamorphoses” miêu tả con rắn bằng những thuật ngữ ám chỉ sông ngòi: “Con rắn cuộn tròn thân mình lại tạo thành một vòng tròn rộng lớn, rồi nó đứng dựng lên như một tấm ván, hoặc có thể lao về phía trước một cách dũng mãnh, như một dòng suối phình ra nhờ mưa bão, và ngực con rắn xô đẩy tất cả cây cối chắn đường sang hai bên”.

Tuy câu truyện ngụ ngôn được nhìn nhận như một “kiệt tác sáng tạo đầy chất thơ”, TS Mattievich nhận định, “nhưng nó không có khả năng thăng hoa toàn bộ bản chất thực sự của ‘con quái vật dưới nước’”.

song amazonCon sông Amazon (Ảnh: Rikcat/i Stock)

TS Mattievich cũng lưu ý rằng thần thoại Hy Lạp cũng miêu tả nhiều cuộc chiến giữa con người và sông nước. Lấy ví dụ, Homer đã viết về trận chiến giữa Asin (Achilles) và con sông Scamander. Đồng thời, việc hình tượng hóa dòng sông như một loài động vật đã từng có tiền lệ trong văn học Hy Lạp cổ đại.  Lấy ví dụ, đôi lúc con sông Achelous được hình tượng hóa như một con bò, một con rồng, hoặc một sinh vật đầu bò mình người.

Con rắn có kích cỡ bằng một dòng sông

Trong những câu thơ từ 44-45, Ovid đã miêu tả kích thước khổng lồ của loài sinh vật này như sau: “[Con Rắn] nhìn xuống chồng xác người với một cơ thể to lớn đến nỗi nó lớn bằng con rắn đã chia cắt hai con Gấu lớn trên trời, nếu bạn có thể tự mình quan sát”.

chom sao thien longChòm sao Thiên Long (tiếng Latinh: Draco) (Ảnh: Angelinast/i Stock)

Ovid đã so sánh kích cỡ của Con Rắn với chòm sao Thiên Long, nằm giữa chòm sao Đại Hùng và Tiểu Hùng.

TS Mattievich viết: “Trong thiên văn học người ta đã biết rằng khoảng cách giữa các ngôi sao có thể được so sánh với khoảng cách địa lý trên Trái Đất, nếu như hình cung tương ứng của chúng được phóng chiếu lên một hình cầu”.


thien cauHình ảnh phản chiếu của các ngôi sao trên thiên cầu Trái Đất. (Ảnh: jrjohnson)

“Hình cung giữa điểm đầu và điểm đuôi của chòm sao Thiên Long tương đối trùng khớp với chiều dài sông Amazon”.

Vàng, Lửa và Nọc độc

Con rắn nổi bật với một cái mào vàng, đôi mắt nó “sáng rực lửa, và toàn bộ cơ thể nó chứa đầy nọc độc”, Ovid viết. Trong câu thơ 72-76, Ovid đã viết: “Khi sự buồn bực cộng hưởng với nỗi tức giận sẵn có, cổ họng của nó trợn phồng lên những gân máu, và một hàng bọt mép màu trắng sủi lên xung quanh những quai hàm đầy nọc độc; vảy của nó kêu lên chói tai khi cạo lên mặt đất, và miệng nó xả ra những hơi thở đen kịt khiến bầu không khí bị ô uế”.

Cái mào rắn vàng có thể ám chỉ đến lượng lớn vàng được tìm thấy trong dãy núi Andes ở Peru. Con mắt rực lửa có thể là những ngọn núi lửa phun trào từng được ghi nhận trong suốt chiều dài lịch sử của dãy núi Andes.

andesDãy núi Andes ở Peru. (Ảnh: meetupstatic.com)

“Bọt trắng rỉ xuống từ cái lưỡi rắn, ý nói dòng sông, là một cách miêu tả văn hoa về những vật chất núi lửa có tính xốp và rất nhẹ, có mật độ nhỏ hơn nước”, TS Mattievich viết. Người ta biết rằng những vật chất núi lửa này thường trôi nổi trên sông Amazon.

Hình tượng nọc độc cũng được sử dụng để biểu thị hoạt động núi lửa trong các tác phẩm văn học Hy Lạp khác. Nhà địa lý người Hy Lạp Pausanias, mất năm 180 SCN, từng viết rằng mùi hôi thối của con sông Anigrus là do nọc độc của con rắn Hydra. Thực chất, cái mùi hôi thối này được tạo ra bởi các suối nước nóng chứa lưu huỳnh và lượng khí thải ra từ các ngọn núi lửa đang hoạt động. Con sông Anigrus bắt nguồn từ một ngọn nui ở Arcadia.

Ba hàng răng, ba cái lưỡi

Khi Ovid viết rằng “hàm răng của nó có ba hàng” và “ba cái lưỡi của nó uốn éo”, ông đang lần lượt ám chỉ đến ba dãy núi và ba nhánh sông chủ yếu của con sông Amazon (Ucayali, Huallaga và Maranon), TS Mattievich nói.

“Khởi nguồn từ cao nguyên Collao, tại vị trí hồ Titicaca, dãy núi chia làm ba nhánh cơ bản… Do đó, nếu con rắn bị Cadmus chinh phục là hiện thân của sông Amazon, thì ba hàm răng chính là ba dãy núi tại đầu nguồn”. TS Mattievich nói.

Trong số các luận cứ TS Mattievich đưa ra để giải thích tại sao truyền thuyết về Cadmus có khả năng đã ám chỉ đến cuộc thám hiểm sông Amazon, chúng ta mới chỉ đề cập đến một số luận điểm chính cho tới nay. Ông cũng đã tra cứu các truyền thuyết Hy Lạp khác trong cuộc điều tra Thần thoại-Khảo cổ học của mình, bao gồm sự tích Odysseus (Ô-đi-xê) tiến vào Địa Ngục Hades.

Địa Ngục Hades của nhà văn Homer

Tương tự như cách phân tích của ông về thần thoại Cadmus, TS Mattievich cũng đã tiến hành phân tích thêm về thần thoại Odysseus trong phần hai bài viết “Cadmus trảm mãng xà” của ông.

Chó 3 đầu Ceberus của Hades trên bình gốm cổ (Ảnh: theoi.com)
Chó 3 đầu Ceberus của Hades trên bình gốm cổ (Ảnh: theoi.com)

Nhà dân tộc học từ Viên, TS Christine Pellech đồng tình rằng Địa ngục Hades của Homer có thể nằm ở Châu Mỹ. TS Mattievich trích dẫn lời TS Pellech: “Kirke đưa Ulysses [hay Odysseus] tới cõi chết hay thế giới bên kia – thế giới bên kia xét về mặt địa lý… là bên kia của quả địa cầu, hay nói cách khác chính là ám chỉ Châu Mỹ”.

TS Pellech và TS Mattievich đề xuất các địa điểm khác nhau tại Châu Mỹ có thể là ứng cử viên cho cánh cổng tiến vào Địa ngục, dựa trên miêu tả của Homer về một chỗ hợp lưu động sóng của các con sông, nơi tọa lạc của một tảng đá nhô lên khỏi mặt nước.

TS Pellech cho rằng đây chính là chỗ hợp lưu của hai con sông Ottawa và St. Lawrence tại Ontario, Canada. Một tảng đá lớn nhô lên khỏi mặt nước đã được tìm thấy ở khu vực này, và ở gần đó có một số bức họa khắc đá có thể là dấu tích của những người thám hiểm cổ đại, theo cách giải thích gây tranh cãi của cố giáo sư sinh vật học và nghiên cứu cổ văn Barry Fell và nhà khảo cổ học nổi tiếng được đào tạo ở Đại học Havard – David Kelly.

TS Mattievich cho rằng cánh cổng huyền thoại dẫn đến Địa ngục là hẻm núi Pongo de Manseriche tại Lưu vực sông Amazon (Amazon Basin). Trong tiếng Amazon bản địa, từ ‘Pongo de Manseriche’ có nghĩa là “Cánh cổng ghê rợn”. TS Mattievich lưu ý rằng hẻm núi này cũng có hai con sông giao nhau và một tảng đá nhô lên khỏi mặt nước, đây là hai trong số các luận cứ cho thấy đây là địa điểm đã được Homer miêu tả.

Pongo_de_mansericheHẻm núi Pongo de Manseriche ở Peru. (Ảnh: Wikimedia)

Nhà khảo cổ học người Hy Lạp Sotirios Dakaris đã hỗ trợ công tác khai quật và nghiên cứu một di chỉ tại Hy Lạp, đền Nekromanteion, được cho là tương thích với miêu tả về cánh cổng Địa ngục. Nhà khảo cổ Dakaris và TS Mattievich đã duy trì được một mối giao thiệp khá thân thiết cho tới khi ông Dakaris qua đời vào năm 1996. Nhà khảo cổ Dakaris từng nói rằng, có lẽ TS Mattievich đã tìm được chiếc chìa khóa cất giấu bí mật của thời kỳ Hy Lạp hóa.

hadesĐền Nekromanteion thờ thần địa ngục Hades và vợ là nữ thần Persephone. (Ảnh: Flickr.com)

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Thạch Khánh biên dịch

Xem thêm: