Trong một nghiên cứu mới đây, những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu đoán xem ai là người đang gọi cho họ khi chiếc điện thoại đổ chuông. Kết quả thu được cho thấy mức tỉ lệ thành công nhìn chung vượt quá xác suất ngẫu nhiên…

Nghiên cứu này có tên là: “Các thí nghiệm tự động kiểm nghiệm khả năng thần giao cách cảm qua điện thoại di động (Automated Tests for Telephone Telepathy Using Mobile Phones)”, và đã được đăng tải trên ấn bản tháng 7, tháng 8 của tạp chí Khám phá (Explore Journal). Tiến sĩ Rupert Sheldrake, người từng bảo vệ luận án tiến sĩ ngành sinh hóa tại Đại học Cambridge và nghiên cứu triết học và lịch sử khoa học tại Đại học Harvard – là người dẫn đầu nghiên cứu này.

Trong thí nghiệm, Tiến sĩ Rupert đã đề nghị những người tham gia chọn lựa ra 3 người trong số những bạn bè và thành viên gia đình mình. Một trong 3 người đó sẽ được chọn lựa ngẫu nhiên bởi một chiếc máy tính và sẽ được thông báo để thực hiện cuộc gọi. Trước khi biết được ai đang gọi, các đối tượng tham gia sẽ phải đoán xem ai trong số ba người gọi tiềm năng đang ở đầu dây bên kia. Việc này được lặp lại sáu lần cho mỗi đối tượng.

Theo xác suất ngẫu nhiên, những người tham gia sẽ đoán trúng 33,3% (⅓) trong tổng số lần. Và theo lý thuyết này, nếu số lần thí nghiệm càng tăng, thì mức tỷ lệ thành công sẽ càng gần hơn với mức xác suất chuẩn (trong trường hợp này là 33,3%). Tuy nhiên, sau 2.080 lần thí nghiệm, tỷ lệ thành công cho ra là 41,8% – vốn lớn hơn mức xác suất ngẫu nhiên rất nhiều.

Một thí nghiệm tương tự cũng đã được thực hiện, tuy nhiên điểm khác biệt là những người tham gia sẽ chọn ra 2 người để làm những người gọi tiềm năng, khiến tỷ lệ đoán trúng ngẫu nhiên là 50%. Tuy nhiên, sau 745 lần thí nghiệm, tỷ lệ thành công lại là 55,2% – vốn cũng được nhìn nhận là một kết quả có ý nghĩa thống kê.

Được biết, các nghiên cứu về sự tồn tại của hiện tượng thần giao cách cảm qua điện thoại vốn đã từng được tiến hành, tuy nhiên nó chỉ được thực hiện trong môi trường thí nghiệm đối chứng với điện thoại cố định có dây và trong hoàn cảnh các đối tượng được ghi hình để đảm bảo họ không thể gian lận. Còn trong thí nghiệm lần này, điện thoại di động đã được sử dụng, và các đối tượng không bị giám sát.

TS Sheldrake cho biết, ông và nhóm của ông muốn xem xem, “các mô thức kết quả nào mà chúng tôi có thể thu thập được dưới các điều kiện thí nghiệm ‘sinh thái’, trong đó những người tham gia đã sử dụng điện thoại di động trong khi vẫn tiếp tục cuộc sống sinh hoạt bình thường của mình”.

Xem thêm:

“Chúng tôi đã không ghi hình hoặc giám sát những người tham gia, và do đó có khả năng một số trong đó đã gian lận. Do đó, chúng tôi không thể đảm bảo các kết quả mang tính tích cực trong những thí nghiệm này là các bằng chứng thuyết phục cho sự tồn tại của hiện tượng thần giao cách cảm”, Sheldrake nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, rất khó có khả năng các đối tượng này đã gian lận ngay cả khi họ không bị giám sát. Thứ nhất, họ không có động lực nào để gian lận. Thứ hai, những người tham gia chỉ được trả tiền để tham gia cuộc nghiên cứu chứ không phải là được trả tiền dựa trên mức tỉ lệ đoán trúng.

Ngoài ra, các mô thức điểm số cũng cho thấy hiện tượng gian lận đã không xảy ra: “Trên lý thuyết những tay gian lận sẽ có các mức điểm số cao hơn, và hầu hết những người còn lại sẽ có mức điểm số ngang với tỷ lệ ngẫu nhiên. Tuy nhiên trên thực tế điểm số của rất nhiều người đều trên mức ngẫu nhiên”, ông nói.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: