Một trong 3 nguyên mẫu thử nghiệm mặt đất từ năm 1957 của vệ tinh Sputnik-1 vừa được giao bán đấu giá.

Sputnik-1 là vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người được phóng lên quỹ đạo vào ngày 4/10/1957 từ một trạm phóng ở Kazakhstan (thuộc Liên Xô cũ). Đây là một trong những thành tựu vĩ đại của các nhà khoa học Nga, việc phóng vệ tinh này đã khởi đầu các phát triển mới về chính trị, quân sự, công nghệ và khoa học kỹ thuật trong cuộc đua chiếm lĩnh không gian vũ trụ với Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Nguyên mẫu Sputnik-1 trưng bày tại viện bảo tàng Hàng không Vũ trụ Nga. Trong ảnh các em học sinh đang được giới thiệu về cấu tạo và hoạt động của vệ tinh Sputnik-1.

Mặc dù Sputnik-1 chỉ có kích thước bằng quả bóng rổ và hoạt động hơn 3 tháng nhưng nó đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, khởi đầu kỷ nguyên chinh phục không gian vũ trụ của con người. 60 năm sau ngày đưa lên quỹ đạo, giá trị và những tác động của Sputnik-1 mang lại đối với mọi mặt đời sống, xã hội của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn.

Nhờ Sputnik-1 các nhà khoa học đã xác định được mật độ không khí ở các độ cao khác nhau. Trong khi đó các chuyên gia vô tuyến điện tử cũng đã nhìn thấy các sóng vô tuyến truyền đi trong không khí như thế nào.

Sputnik-1 bao gồm 7 phần cơ bản:

  • Thiết bị phát vô tuyến.
  • Pin nguồn.
  • Bộ chuyển mạch nhiệt và khí áp.
  • Quạt tỏa nhiệt.
  • Ăng-ten.
  • Các tấm cách nhiệt.
Các thành phần cơ bản của Sputnik-1

Sau khi lắp ráp hoàn chỉnh, nó được bơm đầy khí ni-tơ vào bên trong với áp suất 1,3 AT. Nguồn cấp cho thiết bị phát vô tuyến và hệ thống điều khiển nhiệt độ của vệ tinh được kích hoạt thông qua bộ chuyển mạch từ xa. Nếu nhiệt độ bên trong của vệ tinh lớn hơn 50oC hoặc dưới 0oC hoặc áp suất bên trong dưới 0,35 kg/cm2, các bộ chuyển mạch nhiệt và khí áp sẽ được kích hoạt bằng cách thay đổi chiều dài tín hiệu sóng vô tuyến từ vệ tinh. Để giữ nhiệt độ ổn định bên trong người ta sử dụng các quạt tản nhiệt. Nếu nhiệt độ trong vệ tinh nằm trong khoảng 20-23oCcác quạt này sẽ bị tắt.

Để phóng thành công Sputnik-1, các nhà khoa học Nga đã tiến hành các thử nghiệm mặt đất đối với các nguyên mẫu trước đó của Sputnik. Một số nguyên mẫu của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Được biết chỉ có 3 nguyên mẫu còn lại trên thế giới.

Hai nguyên mẫu được lưu giữ ở thủ đô Matxcova – Liên bang Nga, bên ngoài Bảo tàng Năng lượng. Mẫu còn lại nằm trong bảo tàng về vệ tinh Nga. Một số bản sao của Sputnik cũng được chế tạo để trưng bày ở các viện bảo tàng tại các nước trên thế giới.

Vệ tinh Sputnik 1 được trưng bày tại bảo tàng Smithsonian ở Washington (Mỹ). Ảnh: Reuters
Các sinh viên trẻ chiêm ngưỡng mô hình Sputnik-1 trưng bày tại trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: UN/MB.

Một trong các nguyên mẫu đó đã được giao bán đấu giá với mức giá dự kiến từ 100.000 đến 150.000 USD.

Các thông số kỹ thuật chính của vệ tinh Sputnik-1:

  • Khối lượng: 83,6 kg
  • Đường kính vệ tinh: 0,58 mét
  • Độ nghiêng quỹ đạo: 65,1o
  • Chu kỳ quay: 96,17 phút
  • Cận điểm quỹ đạo: 215 km so với bề mặt Trái đất
  • Viễn điểm quỹ đạo: 947 km so với bề mặt Trái đất
  • Bán trục lớn của quỹ đạo: 6955 km
  • Ngày phóng: 4/10/1957
  • Ngày hủy: 4/01/1958

Nhật Minh