Đảo quốc này dành đến 80% lãnh hải của họ làm khu bảo tồn biển để giúp hệ sinh thái phát triển.

Từ trước đến nay có một giả định rằng các hệ sinh thái biển sẽ phát triển mạnh nếu chúng ta bảo vệ đại dương. Hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh được giả định đó nhờ một nghiên cứu sâu rộng tại khu bảo tồn biển ở đảo quốc Palau.

Gần 2 năm trước, Palau đã chính thức tuyên bố gần 500.000 km2 lãnh thổ trên biển của họ là một khu bảo tồn. Nơi đây được bảo vệ đầy đủ, không đánh cá và không khai thác tài nguyên. Khu bảo tồn của Palau lớn thứ 6 trên thế giới, trong khi đảo quốc Palau nhỏ hơn thành phố New York. Thậm chí khu bảo tồn của Palau lớn hơn tiểu bang California.

Tại thời điểm 2 năm trước, Tổng thống Palau, ông Tommy Remengesau, cho biết hành động này là cần thiết để bảo tồn đời sống của hòn đảo. Ông nói: “Người dân trên đảo bị ảnh hưởng nặng nhất bởi các mối đe dọa đến đại dương. Tạo khu bảo tồn là một bước đi táo bạo để người dân Palau nhận thức điều quan trọng đến sự sinh tồn của chúng ta”, theo National Graphic.

Cũng nhờ đó, các nhà khoa học có cơ sở cho một loạt nghiên cứu mới. Trong một bài báo công bố ngày 30/3 trên tạp chí Plos One, các nhà nghiên cứu của Sinh thái học của Đại học Hawaii công bố kết quả theo dõi bảo tồn biển có tác động tích cực như thế nào.

Nghiên cứu này tập trung vào số lượng cá và các sinh vật sống dưới đáy biển tại khu bảo tồn Palau. Các nhà khoa học cố gắng không làm phiền các sinh vật biển. Họ không lấy mẫu trực tiếp mà chỉ dùng hình ảnh và quan sát.

Họ phát hiện rằng vùng biển được bảo vệ có số lượng cá gấp đôi các vùng không bảo vệ. Còn cá săn mồi tăng lên gấp 5 lần. Là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài săn mồi khác nên số lượng cá tăng mạnh cho thấy một hệ sinh thái tốt.

Ông Enric Sala, người tham gia nghiên cứu, nói: “Những gì chúng ta đo được đã khẳng định rằng khu bảo tồn giúp tăng sinh khối của cá”. Các loại cá nói chung đều tăng lên cũng giúp cho nguồn thủy sản dồi dào hơn cho địa phương.

Ông Sala lưu ý rằng khu bảo tồn thành công ở Palau không chỉ do chính sách của chính quyền mà còn do nền văn hóa bảo tồn thiên nhiên của cư dân trên đảo. Trong khi đó, quốc đảo này không có quân đội để thúc ép người dân thực hiện bảo vệ biển.

Những nỗ lực bảo tồn của địa phương đến từ một truyền thống ngàn đời, trong đó đặt ra những giới hạn cho phép cá có không gian yên tĩnh để sinh sản và lớn lên.


Thông điệp của Tổng thống Palau: “Tất cả chúng ta đều bị tác động bởi chính điều chúng ta làm với đại dương”

Palau phụ thuộc lớn vào hệ sinh thái biển lành mạnh. Đảo quốc này có tỷ lệ đa dạng sinh học cao nhất trên hành tinh, và một phần doanh thu của nền kinh tế đến từ du lịch môi trường.

Hiện nay chỉ có 1,6% diện tích đại dương trên thế giới được bảo vệ. Các nhà nghiên cứu hy vọng các chính phủ khác sẽ chú ý tìm cách mang lại lợi ích cho các khu vực bảo vệ.

Ông Sala nói: “Chúng ta cần càng nhiều khu bảo tồn càng tốt, ở các nơi xa dân cư và cả khu đông dân cư. Không còn thời gian để lãng phí”.

Dương Minh

Xem thêm: